Kinh tế

Đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

H.Hương 12/04/2024 06:58

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện việc xây dựng dự thảo luật Luật Khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT). Một trong những nội dung quan trọng hướng tới là điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước.

anh-bai-duoi-trai(2).jpg
Khu Công nghiệp Sóng Thần 1. Nguồn: Kland.

Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, KCN, KKT cũng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) cho rằng đầu tư KCN sinh thái đang gặp thách thức, khó khăn, vướng mắc ở cả 3 cấp độ: quy định của luật liên quan thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn; việc ban hành, giải thích, áp dụng quy định văn bản dưới luật còn thiếu rõ ràng; việc thực thi còn phụ thuộc vào cách hiểu và giải thích của công chức.

Cho đến nay nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể. Đơn cử, theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP, KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp (DN) trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất “sạch hơn” và sử dụng hiệu quả tài nguyên và có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các DN.

Còn theo quy định của Luật Môi trường, hiện nay chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì DN mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN.

Chuyên gia Bùi Văn Thành băn khoăn, vậy khi DN vào KCN sinh thái, chuyển đổi thành KCN sinh thái DN phải “sạch hơn”, thì sạch hơn là gì, phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? Chuyên gia này cũng cho biết, theo quy định, xây dựng KCN thì phải có trong quy hoạch. Nhưng trong Luật Quy hoạch, phần về quy hoạch vùng lại không đề cập đến KCN sinh thái, không quy định về khu công nghệ cao. Như vậy khi DN xin chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập khu công nghệ cao, KCN sinh thái thì phải làm như thế nào, có phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng đã được phê duyệt không, đây vẫn là một câu hỏi.

Ông Thành cũng cho rằng, việc triển khai các mô hình sinh thái đều rất tốn kém, vì thế cần chính sách ưu đãi đặc biệt hơn trong việc triển khai mô hình này, nếu không thì DN sẽ không tham gia. Nhưng hiện nay chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình KCN, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt cho việc phát triển loại hình KCN sinh thái. Vì vậy cần phải bổ sung những chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, nguồn vốn đầu tư và khoa học công nghệ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO