Để Yên Tử xứng tầm di sản thế giới

23/03/2016 10:24

Cách đây gần 2 năm, UNESCO đã đưa Yên Tử vào danh mục dự kiến đề cử di sản thế giới. Còn hơn một năm nữa là tới thời điểm xem xét công nhận danh hiệu di sản thế giới cho Yên Tử, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở làm thế nào để Yên Tử thực sự xứng tầm với danh hiệu đề cử?

Để Yên Tử xứng tầm di sản thế giới

Di tích và danh thắng Yên Tử.

Còn nhiều linh vật lạ

Câu chuyện hiện vật lạ, đồ cung tiến “bỗng dưng” xuất hiện trong một số di tích thờ tự ở đỉnh non thiêng Yên Tử suốt thời gian dài đã từng là đề tài nóng. Trong đó chuyện về đôi lọ lục bình bằng gốm đặt tại chùa Vân Tiêu có chép thơ tục khiến dư luận rất bất bình. Sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, tất nhiên sau đó đôi lọ lục bình nói trên đã bị di dời ra khỏi đỉnh thiêng Yên Tử. Ban Quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử khi ấy có lý giải rằng, đôi lục bình là hiện vật được các phật tử cung tiến vào chùa, do sơ suất, chưa tìm hiểu rõ về nội dung bài thơ nên nhà chùa đã đem ra trưng bày. Nhưng theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đây không phải tình trạng ở riêng một địa phương nào.

Việc tự ý đưa các “vật lạ” vào những điểm thờ tự tâm linh đã tồn tại từ lâu tại các khu di tích ở nước ta. Mọi người cứ tự làm, tự xây và tự cung tiến mà không có một cơ chế kiểm soát kỹ lưỡng nào. Điều này có lỗi của cả nhà quản lý và sự thiếu hiểu biết của người dân khi không nhận được sự hướng dẫn cụ thể hay quy chuẩn chung cho những linh vật, hiện vật mà họ muốn cung tiến vào chùa, đền, đình...

Nhưng với Yên Tử- một di tích và danh thắng đang trong diện đề cử là di sản thế giới, việc gìn giữ vẹn nguyên tính xác thực, nguyên bản của một Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập ra- chính là một yêu cầu quan trọng và cần thiết. Quãng 2 năm trước, sau khi Bộ VHTT&DL ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Quảng Ninh khi ấy cũng mới ráo riết vào cuộc kiểm tra các di tích thờ tự tại địa phương.

Và theo đại diện Sở VHTT&DL Quảng Ninh, các linh vật, hiện vật ngoại lai qua phát hiện chủ yếu tập trung ở các chùa, đền, đưa vào di tích theo dạng được công đức, hiến tặng hoặc do các ban quản lý di tích tự sưu tầm đưa vào bắt đầu từ khoảng hơn chục năm trước. Phổ biến nhất là các cặp sư tử đá, nghê đá, tỳ hưu, đèn đá, lục bình gốm sứ...

Những năm vừa qua, trong các công trình xây dựng mới lại rộ lên việc sử dụng các linh vật như sư tử đá, tỳ hưu, chúng thường được đặt ở hai bên lối đi phía trước chính điện của chùa. Trong đó, khu vực thờ tự trên đỉnh Yên Tử với những linh vật cung tiến, ngoại lai được nhà chức trách địa phương đặc biệt lưu ý.

Đại diện Sở VHTT&DL Quảng Ninh cũng cho hay, với những nơi thờ tự sử dụng các linh vật nhỏ, sau khi cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến, đối chiếu với hệ thống mẫu vật truyền thống thì đa phần đã được bỏ đi. Còn lại hiện nay chủ yếu là những linh vật cỡ lớn. Có những cặp linh vật được hiến tặng nên cần phải làm công tác tư tưởng đối với chủ nhân hiến tặng trước khi đưa ra khỏi di tích. Một số cặp có khối lượng rất lớn, cũng cần có thời gian để di dời…

Theo phản ánh của phật tử đi lễ, hiện còn khoảng gần 30 con sư tử đá- diện linh vật cung tiến ngoại lai vẫn đang tồn tại trong những điểm thờ tự tại khu di tích Yên Tử.

Trùng tu “vô tội vạ”

Việc trùng tu “vô tội vạ” ở quần thể di tích và danh thắng Yên Tử cũng đã từng nhiều lần được giới truyền thông đề cập. Từ nhiều năm qua, một loạt các đền, chùa, lăng mộ… trong vùng lõi của danh thắng linh thiêng này bị trùng tu, nâng cấp… một cách vô tội vạ, thiếu căn cứ và không có giấy phép. Gần đây nhất là công trình xây dựng nơi thờ tự của Cty Tùng Lâm tại khu vực này.

Bảo tồn di tích như ở Yên Tử khiến dư luận băn khoăn, lâu nay công tác phân cấp quản lý di sản, danh thắng, lễ hội được thực hiện ra sao? Bởi ở hầu hết các vụ việc vi phạm trong trùng tu, bảo tồn, chỉ khi báo chí vào cuộc và người dân lên tiếng thì chính quyền mới hay biết. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, chủ trương phân cấp quản lý di sản đã có rồi, nhưng vấn đề là các địa phương chưa ráo riết triển khai. Ông cho rằng, quản lý nhà nước là rất cần thiết để bảo tồn, phát triển di tích. Tuy nhiên, bản thân người đang được quyền sử dụng và cộng đồng cũng phải nhận thức được rằng chính việc bảo tồn không gian giá trị lịch sử ấy là tạo thuận lợi cho chính họ, chứ không phải là thiệt hại.

Trường hợp trùng tu vô tội vạ di tích và danh thắng ở Yên Tử cũng vậy! Tiếc rằng hiện nay tư duy được hưởng lợi rất thô sơ, đơn giản. Chẳng hạn như là cơi thêm mặt bằng diện tích, sử dụng cho thuê… mà không thấy rằng bản thân di tích ấy có giá trị, giá trị ấy tác động vào những hoạt động để làm ra lợi ích kinh tế lớn hơn.

Trên thực tế, trong vòng 3 năm trở lại đây, Bộ VHTT&DL đang dần dần thực hiện việc phân cấp công tác quản lý lễ hội cấp quốc gia cho các địa phương. Bộ chỉ chịu trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, giám sát kiểm tra việc thực hiện, tổ chức lễ hội.

Hiện chưa có một mô hình quản lý chung, thống nhất trên cả nước cho các di tích, danh thắng, lễ hội… Nhưng chưa có nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành và triển khai thực hiện Qui định phân cấp quản lý di tích. Quảng Ninh là địa phương có trên 600 di tích, cụm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh các cấp; trên 60 lễ hội các loại; hệ thống di sản văn hóa dày đặc, trải dài từ Đông Triều tới Móng Cái… Dẫu vậy, cho đến thời điểm này địa phương vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện Qui định phân cấp quản lý di tích, danh thắng, lễ hội trên địa bàn.

Vì thế, để Yên Tử thực sự xứng tầm di sản văn hóa thế giới, trách nhiệm nặng nề đang đặt ra là tương đương nhau- với cả nhà quản lý và cộng đồng.

Triết Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để Yên Tử xứng tầm di sản thế giới