Bún đỏ cao nguyên là đặc sản mà mỗi khi đặt chân đến Kon Tum không thể không thưởng thức. Khác với những món bún như bún bò, bún chả cá, hay bún mắm; bún đỏ cao nguyên đơn giản hơn từ phương pháp chế biến đến thưởng thức, nhưng ăn một lần là sẽ nhớ ngay.
Bún đỏ được bán nhiều phải kể đến những con phố ở TP Kon Tum. Đây là món ăn vặt hết sức bình dị nên được bán từ tầm chiều về khuya để phục vụ những người lao động bình dân nơi phố thị với giá chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng. Khác với bún bình thường, sợi bún đỏ rất to, cỡ bằng đầu đũa, vị giòn dai. Sợi bún ban đầu trắng tinh, sau khi được nấu trong nồi nước dùng, thấm đẫm các gia vị, màu điều, màu gạch cua sẽ chuyển thành màu đỏ rất đẹp và ăn vô cùng thơm ngon, lạ miệng. Có lẽ đây chính là sự khéo léo đến tinh tế của người sáng chế ra món ăn này.
Nguyên liệu chủ yếu để làm món bún đỏ là cua đồng, chả viên và trứng cút. Người ta vẫn bảo bún đỏ là sự biến tấu, pha trộn hài hòa nhiều đặc sản quen thuộc của bánh canh Huế hay bún riêu Hà Nội. Nhưng nhiều người cũng cho rằng nó có hương ngọt thơm, đậm đà và màu đỏ rất bắt mắt của cà chua với màu xanh tươi non của rau xà lách hay màu nâu của chả cá, của riêu cua, màu trắng của trứng cút luộc.
Đến Kon Tum muốn ăn bún đỏ thì nhất định phải đợi đến buổi chiều mới có, chứ buổi sáng thì tìm cả phố cũng không ra. Ở đây, từ những cung đường lớn như là Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, tới những con hẻm, trong chợ…đâu cũng thấy biển Bún đỏ. Trong tiết chiều muộn se lạnh của cao nguyên, trên chiếc bàn con con ngoài vỉa hè, bát bún nghi ngút khói, thơm lừng kèm theo rổ rau sống ăn kèm. Vừa xì xụp húp vừa xuýt xoa vì cay và ngon.
Không chỉ có món bún đỏ, đến Kon Tum còn rất nhiều món ăn mà bạn nên thưởng thức để có những trải nghiệm thú vị. Nếu như người dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) tinh tế với món lá mỳ chua trộn gà rừng thì đồng bào Rơ Măm lại có đặc sản cá gỏi kiến vàng và gỏi lá lạ. Nhiều người ngạc nhiên, chỉ là một món ăn mà đã bày kín cả mâm, bởi gỏi lá có tới 40 - 50 loại, từ các loại rau quen thuộc như lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, hành, rau húng đến các loại lá cây ăn quả như xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì và rất nhiều loại lá riêng chỉ Tây Nguyên mới có.
Hay như cà đắng - món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số Kon Tum. Trước đây, cà đắng là cây mọc hoang nay được bà con dân tộc mang về trồng trong vườn nhà, trái to hơn, màu xanh nhạt, vị đắng giảm đi chút ít, dễ ăn hơn và phù hợp với khẩu vị nhiều người. Cà đắng nướng có vị thơm ngon đặc biệt, thái cà đắng thành từng lát mỏng, xiên qua từng que đặt lên nướng, khi cà chuyển sang màu nâu sậm, dậy mùi thơm lan tỏa và vừa chín tới, vẫn còn giữ chút nước đắng, hơi dai dai, mềm mềm, chấm với muối tiêu rừng hoặc ăn kèm với thịt rừng nướng rất ngon.