Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội trên địa bàn huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) đã đạt được những kết quả tích cực.Từ việc kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đúng và trúng những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng dồng xã Tam Hồng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) giám sát quá trình thi công rãnh thoát nước thải trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Khoa Văn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lạc, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, cấp ủy từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội hàng năm xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế.Trong 5 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện đã tiến hành tổ chức thực hiện được 34 cuộc giám sát tại 17/17 xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị. Song song với đó ở cấp xã, đã tiến hành thực hiện được 416 cuộc giám sát. Qua giám sát đã kiến nghị cơ quan, đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước và nhân dân theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận, Tổ Hòa giải ở khu dân cư đã phát huy vai trò và uy tín trong việc tích cực tham gia công tác giám sát ở cơ sở, hòa giải, giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, góp phần tạo sự ổn định, gắn bó, đoàn kết nhân dân trên địa bàn dân cư...
Chính từ việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân đã góp phần phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí đối với các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng. Tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn, các Ban TTND, ban GSĐT của cộng đồng, căn cứ vào tình thực tế của địa phương đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch giám sát cụ thể. Thông qua hoạt động, các Ban TTND đã giám sát được 224 cuộc; Ban GSĐT của cộng đồng đã tổ chức giám sát được 110 công trình triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn. Từ những kiến nghị của Mặt trận cơ sở đã được các đơn vị nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị luôn được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, hàng năm, MTTQ từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp tổ chức hội nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện và 100% các xã, thị trấn đối thoại với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Hoạt động đối thoại không ngừng được đổi mới, thực sự tạo nên diễn đàn dân chủ giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch MTTQ huyện Yên Lạc cũng thẳng thắn cho rằng, công tác giám sát, phản biện xã hội của địa phương vẫn còn những hạn chế. Trong đó, nhận thức của một số cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác này còn chưa đầy đủ. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhất là cơ sở chưa chủ động, còn lúng túng, chưa phát huy hết vai trò trong việc giám sát, phản biện xã hội. Một hạn chế khác đó là ở cơ sở, nội dung giám sát, phản biện xã hội còn ít, mang tính hình thức, chất lượng của hoạt động này còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong thời gian tới để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Nguyễn Khoa Văn cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để phản ánh tới cấp ủy, chính quyền có giải pháp kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Bên cạnh đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tổ chức mình. Việc lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phải đi vào những vấn đề mà người dân và dư luận xã hội đang quan tâm. Để hoạt động này không hình thức, Mặt trận và các đoàn thể cần quan tâm đến hậu giám sát qua việc đeo bám đến cùng, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các kiến nghịsau giám sát và phản biện xã hội.