Mùa thu, nhắc đến những hạt cốm xanh non, dẻo thơm và ngọt như sữa nếu ở Hà Nội thì có cốm làng Vòng, ở Yên Bái có cốm Tú Lệ còn ở Tuyên Quang thì không thể không nhắc đến cốm Nà Hang.
Giã cốm và sảy cốm phải từ 3 đến 4 lần hạt cốm mới sạch, dẻo và thơm.
Vào mùa cốm, khi lúa bắt đầu khum ngọn, còn nguyên hương sữa chính là thời điểm thích hợp nhất để người làm cốm ra đồng gặt lúa non mang về làm cốm. Tháng 8, tiết trời se lạnh, bên bếp lửa bập bùng, đôi tay của những người phụ nữ Tày, Mông, Dao đều đặn đảo cốm.
Người dân ở Đà Vị (Nà Hang) vẫn bảo rằng, cũng phải có bí quyết riêng đấy. Lúa non làm cốm được ngâm, đãi sạch, loại bỏ hạt lép, kém chất lượng. Rang cốm phải là bếp củi, chảo cũng phải là chảo gang đúc thì hạt cốm mới không bị cháy mà mềm dẻo thơm ngon.
Quan trọng hơn cả là kỹ năng rang, lửa phải liu riu vừa độ, tay đảo liên tục để chảo cốm nóng đều, củi đun phải là thứ củi gỗ cháy âm, chứ không được dùng đến củi rơm hay củi đóm.
Khi căn đủ thời gian người ta bắt đầu đổ thóc ra và giã cốm. Tiếng chày va vào loỏng gỗ (cối) rộn rã, mùi hương cốm thơm ngào ngạt khắp bản làng. Để có mẻ cốm ngon, lúa được lựa chọn là giống nếp cái hoa vàng của địa phương, đây là giống lúa được lưu truyền qua các thế hệ làm cốm của người Đà Vị.
Lúa hạt mẩy, đều bông, khi giã cốm dẻo quánh nhưng lại không bị nát, hương thơm thoảng nhẹ vô cùng hấp dẫn. Giã cốm và sảy cốm phải từ 3 đến 4 lần hạt cốm mới sạch, dẻo và thơm. Cốm làm xong thường được gói bằng lá chuối xanh, vừa đẹp mắt vừa quện mùi thơm vô cùng hấp dẫn.
Nếu lên đây đúng mùa cốm, cữ độ tháng 8 âm lịch, bạn sẽ có những trải nghiệm giã cốm cùng người dân các bản làng vô cùng thú vị. Cả nhà, 3, 4 người quây quanh một chiếc cối giã ở trung tâm, mỗi người một nhịp rất đều đặn. Người giã chính phải liên tục đảo thóc trong cối, khi có vỏ trấu thì phải sảy ra rồi tiếp tục giã. Ở đây, dù là người Dao ở Bản Lục, Nà Bản hay người Tày ở Phai Khằn, người Mông ở Nà Pin… dù nét văn hoá có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng đến mùa cốm họ lại cùng quây quần bên những lò làm cốm, vừa giã cốm vừa ca hát suốt đêm như mùa hội.
Từ những mẻ cốm non, bà con lại khéo léo, tinh tế chế biến ra nhiều món ăn khác rất ngon như bánh cốm nhân đỗ xanh, rồi chè cốm xanh nõn, ngọt thơm quện với đỗ xanh… Với người dân nơi đây cốm không chỉ là món ăn, còn mang đậm tình quê, tình đất, tình người. Những mẻ cốm xanh nõn đầu mùa được con cháu bày lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên như muốn báo cáo một vụ mùa bội thu, no ấm và cầu mong trời đất luôn mưa thuận gió hòa, để lúa đầy bồ, ngô đầy nhà.
Và hàng năm cữ vào độ cuối tháng 8 âm lịch ở Nà Hang lại có lễ hội giã cốm. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn, là dịp để thế hệ trẻ học tập kinh nghiệm làm cốm và giữ gìn bản sắc ẩm thực truyền thống của địa phương từ đó phát triển việc làm cốm trở thành một nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.