Những ai có được cái may mắn nằm trong vòng tay ấm áp của bà, của mẹ hay nằm trong nôi lúc còn bé tí bé tẹo mà được nghe những lời ru êm ái để từ từ đi vào giấc ngủ ngon lành thì sau này lớn lên sẽ nhớ mãi, nhớ mãi, nhớ đến suốt đời những lời ru đó. Một trong những lời ru tuyệt vời đó đã được in vào sách “Luân lý giáo khoa thư” xuất bản cách đây gần 100 năm, đó là câu: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Nhiều kỳ thi đã lấy câu ca dao ru em này làm câu hỏi để bình giảng, để xét tuyển vốn sống và vốn văn chương của các thí sinh. Hàng trăm năm qua đã không biết tốn bao nhiêu giấy, bao nhiêu mực, bao nhiêu ý kiến bình luận về câu hát ru thần kỳ này. Mở đầu bằng hai từ: “Ai ơi”. Ai sắp sửa bưng bát cơm đầy lên để ăn. Ai chả phải ăn cơm hàng ngày. Vậy “ai ơi” là chỉ một người, cũng là để chỉ hàng ngàn, hàng vạn người.
Đã có người mạnh dạn dịch câu ca dao lục bát này ra tiếng nước ngoài để giới thiệu văn hóa Việt Nam, họ đã phải dùng những cụm từ dài hơn như; “Nhắn nhủ những ai sắp bưng bát cơm đầy để ăn”, hoặc “Hỡi những ai”, hoặc “Gửi những ai”... thì mới đủ nghĩa của cấu trúc câu. Thế mà ở đây chỉ cần có hai từ “Ai ơi” là đủ. Thật quá tài tình, thật quá súc tích của tiếng Việt. “Ai ơi” là tiếng nhắc nhở, là tiếng cảnh báo, là tiếng nhắn nhủ những ai sắp ăn bát cơm đầy mà người nông dân đã phải vất vả khó nhọc mới có được để giúp chúng ta no bụng.
Viết đến đây tôi lại nhớ tới một kỷ niệm khó phai trong chuyến đi tham quan học tập tại Khoa Y của Trung tâm Đại học Oxford lâu đời và danh tiếng của Vương quốc Anh. Lần đó chúng tôi được cùng dự bữa cơm trưa tại nhà ăn sinh viên. Khi tất cả đã đông đủ, một hồi chuông reo vang, các sinh viên đứng dậy. Một sinh viên bước lên bục cao đọc lời thề sau đây trước bữa ăn: “Hỡi các bạn sinh viên Y khoa, trước mặt các bạn là những khẩu phần ăn quý giá do biết bao người lao động khó nhọc mới có được. Chúng ta được hưởng thụ ngày hôm nay để có sức học tập. Chúng ta xin thề rằng: Sau khi tốt nghiệp bác sỹ Y khoa, nếu có cơ hội, chúng ta xin tận tâm tri ân báo đáp để trả ơn những người lao động đã cho chúng ta bữa ăn hôm nay”.
Chao ôi, thì ra dù ở Việt Nam hay ở bất kỳ một quốc gia nào trên trái đất, các nhà giáo dục, các nhà đạo đức học cũng tìm cách lồng ghép vào các sinh hoạt hàng ngày như từ lời ru em bé lúc còn thơ ngây đến việc nhắc nhở anh sinh viên Y khoa phải biết ơn những người lao động vất vả giúp cho chúng ta miếng ăn hàng ngày.
Trong bát cơm đầy có biết bao nhiêu hạt cơm. Thế mà muốn có “dẻo thơm một hạt” đã phải “đắng cay muôn phần” mới có được. Trong hạt cơm dẻo thơm đó có cả nắng như đổ lửa, cháy da cháy thịt, hoặc mưa tầm mưa tã ngoài ruộng đồng. Lúc hạn hán, lúc ngập lụt, mấy tháng trời vất vả, từ lúc gieo mạ, cấy lúa, chăm bón, nhổ cỏ, tát nước đến khi lúa trổ bông. Đợi cho lúa chín, gặt hái đem về, phơi khô, quạt sạch mới được hạt thóc quý. Rồi lại xay lúa, giã gạo, giần, sàng vất vả mới có được hạt gạo trắng để đi thổi cơm.
Công lao khó nhọc của người nông dân là thế, những người ăn bát cơm nóng sốt lúc đang đói cồn cào có biết không? Phải được nhắc nhở, phải được giáo dục để ai ai cũng biết đến cái công lao khó nhọc ấy của bà con nông dân.
Con người ta không thể vô ơn, phụ bạc những người đã nuôi sống mình. Nhiệm vụ của các nhà Tâm lý, các nhà giáo dục rất nặng nề trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở mọi thời đại. Trong câu ca dao chỉ nói “Ai ơi” nhưng đã đầy đủ lời yêu thương nhắn nhủ, giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc những ai sắp sửa bưng bát cơm ăn.
Danh nhân Nguyễn Trãi (1380 – 1442) cũng đã từng răn dạy con người phải có lòng biết ơn khi ông viết: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no/ Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng”. Đúng lúc mình đang đói khổ có người giúp cho miếng cơm ăn thì phải coi đó là một cái ơn rất đáng quý và không bao giờ được phép quên. Cái nghĩa của con người đối với con người là phải ghi nhớ để có lúc đền ơn lại, báo đáp lại cho người đã giúp đỡ mình thì mới thực là con người biết đạo lý, có giáo dục.
Nói về đạo lý biết ơn và trả ơn đã có nhiều triết gia phân tích và hướng dẫn con người ở những góc độ khác nhau. Ông Alexandre Dumas ở nước Pháp đã phân tích rất cảm động: “Không khi nào chúng ta trả xong nợ cho những người đã giúp ta cả, vì ta không chỉ nợ họ về vật chất mà ta còn nợ họ về ơn nghĩa”. Nợ về ơn nghĩa biết bao giờ trả hết. Lời thề của các sinh viên Y khoa ở Đại học Y khoa Oxford là quyết tâm báo đáp, quyết tâm trả ơn cho những người nông dân đã nuôi mình ăn học thật cao quý, thật con người, thật nhân hâu.
Trở lại câu hát ru: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” ta thấy rõ: Lời lẽ giản dị, như nhắc nhở nhẹ nhàng về lòng biết ơn. Chính cụm từ “Đắng cay muôn phần” buộc con người khi ăn miếng cơm ngon phải nghĩ ngay đến lòng biết ơn. Cũng chính cụm từ này đã giáo dục con người phải biết tiết kiệm, không được làm rơi vãi từng hạt cơm, mà trong dân gian còn gọi là “hạt ngọc” (ngọc thực) đã nuôi sống con người.
Trong khuôn khổ một bài học về đạo đức, về luân lý, về đạo lý làm người, chúng ta cần nhấn mạnh hai ý chính, đó là “lòng biết ơn người đã làm ra cơm gạo để nuôi sống con người” và “sự tiết kiệm hạt cơm, hạt gạo để duy trì được những bữa ăn lâu dài, bền vững”. Một câu ca dao đã xa xưa lắm rồi mà vẫn thấy gần gụi với những thế hệ con người mới của thế kỷ XXI thì thật đáng trân trọng biết bao. Nó quý giá bởi sự chân thực, giản dị nhưng ẩn dụ phong phú, suy luận dài rộng biết bao.
Nhân bàn về lòng biết ơn, ta cần nhớ câu danh ngôn cổ xưa của người Ả rập: “Nếu bạn làm ơn cho ai, xin hãy quên ngay đi. Nếu bạn nhận ơn của ai, thì mãi mãi đừng bao giờ quên bạn nhé”. Cái ý tứ cao thượng của câu danh ngôn này nếu ai may mắn nhớ được suốt đời, nhớ được lâu dài thì thật là đã có một cái vốn đạo lý rất quý báu.
Nếu giúp ai được cái gì mà cứ nhớ mãi, nhắc đi nhắc lại mãi thì chả bộc lộ ra mình là người ti tiện, nhỏ nhen, cầu lợi mới làm việc tốt đó sao? Trái lại, quên ngay đi, đừng nhớ gì cả thì lần sau mới làm được những việc tốt hơn, có ý nghĩa hơn, cuộc đời mới thăng tiến được, cuộc sống mới an vui được. Có triết gia đã đưa ra lời khuyên mang tính tổng quát hơn, đó là: “Đừng nhớ những việc cần quên, đừng quên những việc cần nhớ”. Việc cần quên là việc đã giúp đỡ ai cái gì. Việc cần nhớ chính là việc mình chịu ơn ai cái gì. Có thế mới trở thành người lương thiện được.
Cũng cần bàn về sự tiết kiệm từng hạt gạo, hạt cơm trong bữa ăn. Nhiều triết gia đã để lại những câu danh ngôn để đời. Các nhà thông thái cổ đại Hy Lạp đã viết: “Hớp nước thứ nhất dành cho sức khỏe. Hớp nước thứ hai dành cho sự khoái cảm. Hớp nước thứ ba dành cho sự điên rồ”. Cách dây hàng ngàn năm người ta đã thấy rõ việc ăn thừa, uống thừa, phí phạm hạt gạo, hạt cơm là một việc tồi tệ, điên rồ, không thể tha thứ được.
Triết gia cổ đại Christine de Pisan đã nêu rõ: “Tiết kiệm không hẳn đã là cái gì vĩ đại lắm, nhưng nếu không biết tiết kiệm lại là một khuyết điểm lớn lao”. Câu này của Pisan được hiểu là: Nếu ta tập được thói quen tiết kiệm từ lúc còn thiếu thốn, khó khăn thì khi ta đã có đầy đủ rồi, chính thói quen tiết kiệm này sẽ giúp ta thành công trong những việc lớn lao. Việt nam ta cũng có câu: “Buôn tàu cũng không giàu bằng tằn tiện”, ý nói rằng: Con người ta phải tiêu pha đúng mực mới giữ được của cải lâu bền, chứ không như những người hoang phí, “vung tay quá trán” thì con đường đói khổ, thất bại là gần ngay ở trước mắt.
Đại thi hào Victor Hugo đã từng dạy rằng: “Một người mẹ hoang phí sẽ sinh ra đứa con trai trộm cắp, đứa con gái nghèo đói”. Vì thế khi nhìn vào cách chi tiêu hàng ngày của một con người, của một gia đình ta có thể biết được tương lai gần và tương lai xa của con người ấy và gia đình ấy sẽ như thế nào.
Nhà hiền triết Đông phương Khổng Tử cũng đã từng viết: “Cái thường tình của một con người bình thường là hễ có thừa thì xa xỉ, hễ buông lỏng thì hư hỏng”.
Như thế, xa xỉ, phung phí, không biết tiết kiệm vốn là bản năng gốc của con người bình thường. Nhưng nếu con người đó được giáo dục từ nhỏ nhờ gia đình, nhờ nhà trường, nhờ xã hội thì dần dần sẽ biết tiết kiệm, biết điều độ để ngày càng trưởng thành. Ai kiên trì rèn luyện, tu thân sẽ trưởng thành, tiến bộ. Ai thiếu kiên trì, lười rèn luyện, ít tu thân sẽ thụt lùi, sa ngã và đi đến đau khổ, không thể cứu vãn được.
Như thế, chỉ qua một câu ca dao lục bát đơn giản đã đi vào lời ru của biết bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam mà chúng ta ngày càng thêm yêu, thêm quý kho tàng văn hóa dân gian và chắc chắn càng khai thác kho báu này ta sẽ càng có nhiều bài học để đời cho tất cả mọi người..