Đại thi hào Pháp, Jean de la Bruyère (1645 - 1696) đã có một tuyên bố tuyệt vời về lòng biết ơn: “Ở đời, không có cái đạo lý nào vượt qua được lòng biết ơn”. Xác minh này của La Bruyère từ gần 400 năm về trước đã giúp cho các nhà triết học và các nhà nhân loại học, tâm lý học đánh giá và phân loại con người trong các cộng đồng xã hội.
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Biết ơn là hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình. Thí dụ: Biết ơn người khác đã giúp đỡ mình. Tỏ lòng biết ơn”. Và: “Ơn là điều làm cho người nào đó, mang lại lợi ích, sự tốt đẹp, được bản thân người ấy nhận thức như là cần phải đền đáp. Thí dụ: Mang ơn. Đền ơn. Ơn trời biển (rất to lớn). Phụ ơn. Làm ơn. Làm con trước phải đền ơn sinh thành (Nguyễn Du)”.
Từ đó, ta có thể tóm tắt lại như sau: Từ khi ta mở mắt chào đời cho đến khi ta khôn lớn, trưởng thành không biết đã có bao nhiêu người giúp đỡ, thương yêu, dạy bảo, rèn luyện cho ta. Nghĩa vụ của ta, đạo lý của ta là phải biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ ta và nếu có cơ hội là phải biết đền ơn, đáp nghĩa lại.
Ca dao, tục ngữ Việt Nam đã từng dạy: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Ơn ai một chút không quên”... chính là để nhắc ta nhớ đến cái đạo lý làm người cơ bản đó.
Phân loại cao nhất, thiêng liêng nhất về những công ơn mà một con người sống trong bất cứ một quốc gia nào trên trái đất này đều được thụ hưởng và đếu phải biết ơn, đó là: Biết ơn những bậc tiền nhân, những anh hùng, liệt sĩ của bao nhiêu thế hệ đã đổ xương máu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn, xây dựng đất nước trong hàng trăm, hàng nghìn năm đã qua.
Triết gia người Ý, Silvio Pellico (1789 - 1854) đã viết: “Chỉ người nào hiểu rõ và yêu quý các bổn phận của mình và tự buộc mình phải làm cho trọn vẹn các bổn phận ấy mới là người yêu nước chân chính”.
Trong các bài giảng về “Giáo dục công dân” ở các cấp học, càng ở lớp cao hơn càng có các chương trình phổ biến cụ thể về pháp luật, về các quy định cho công dân ở các độ tuổi như: 1/Bắt buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự nếu đúng độ tuổi và tiêu chuẩn mà quân đội yêu cầu. Không ai được phép từ chối thi hành luật này để quân đội và các lực lượng quốc phòng, bảo vệ an ninh biên giới và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc được vĩnh viễn bảo tồn và được tôn trọng. 2/Có chính sách cụ thể, chăm sóc tốt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và những người có công với nước.
Không khi nào trả xong nợ cho những người đã giúp ta, vì ta không những nợ họ về vật chất, mà ta còn nợ họ một ân nghĩa.
Alexandre Dumas
Các bài giảng, bài thuyết trình ngoại khóa có mời các bậc lão thành, các anh hùng quân đội đến nói chuyện, giảng bài tại các trường học là biện pháp giáo dục trực quan, tai nghe, mắt thấy cho các thế hệ trẻ là việc làm rất thường xuyên, đã thành nề nếp ở các nước tiên tiến cũng như ở nước ta.
Ở Việt Nam, chúng ta đã có nề nếp trong việc tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ thường xuyên, định kỳ. Việc chăm sóc đời sống cụ thể cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đã thực sự là những bài học sinh động để giáo dục lòng yêu nước, lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, các anh hùng, liệt sĩ cho các thế hệ trẻ rất có hiệu quả, phát huy được nhiều tác dụng tích cực.
Triết gia danh tiếng người Anh, Francis Bacon (1561 - 1626) đã từng phân tích: “Lòng yêu nước phát sinh từ lòng yêu gia đình”. Đúng như thế. Khi đọc lại tiểu sử những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc ta đều thấy rõ họ chính là những thanh niên nông thôn cần cù chịu khó, thương cha thương mẹ, luôn có nhiều đóng góp cho gia đình và thôn xóm quê hương.
Họ chính là những thanh niên, sinh viên cần cù chịu khó quyết tâm học tập vươn lên để có nhiều kiến thức đặng xây dựng đất nước mai sau. Ông Bacon đã cho chúng ta một bài học là: Lòng biết ơn Tổ quốc, biết ơn các bậc tiền bối phải được phát sinh, phải được nẩy nở từ mái ấm gia đình nơi người thanh niên đó được sinh ra, lớn lên từ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, hàng xóm láng giềng ở quê hương mình.
Tình yêu gia đình, yêu quê hương nơi chôn rau cắt rốn phải được sinh sôi, nẩy nở, phải được nuôi dưỡng từng ngày, từng giờ, thấm đậm vào trái tim, khối óc của mỗi con người mới có được tình yêu nước, yêu quê hương chân chính và bền chặt. Nhà văn lớn François Coppée (1842 - 1908) đã ca ngợi: “Tình yêu Tổ quốc đã sống trong tất cả các con tim”.
Nhờ có chỉ dẫn này của Coppée mà các nhà viết “Lịch sử chiến tranh” của Pháp đã phải cay đắng thốt lên rằng: “Chúng ta (quân đội Pháp) thua ở Việt Nam vì chúng ta không hiểu được văn hóa Việt Nam”. Văn hóa Việt Nam chính là Trái tim Việt Nam, chính là Tình yêu Tổ quốc có sẵn trong hàng triệu trái tim Việt Nam.
Thế kỷ trước, một nhà thơ Việt Nam đã viết: “Con chim biết nhớ đàn, nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta”. Đàn chim ấy là anh chị em, là đồng bào, đồng nghiệp của ta. Người đau khổ nuôi ta là gia đình ta, quê hương làng xóm, đất nước ta. Ta phải nhớ mãi, ta phải biết ơn. Đó mới chính là đạo lý làm người.
Nhà thơ Nathan Hale (1756 - 1776) đã viết lời trăn trối: “Tôi chỉ tiếc rằng tôi chỉ có một cuộc đời để hy sinh cho Tổ quốc”. Cao quý thay lời tâm sự này của Hale, nó đã được hàng vạn chiến sĩ ghi chép lại trong cuốn sổ tay của mình, nó đã được ghi lại trong những bức thư cuối cùng của người chiến sĩ trước giờ ra trận gửi về cho gia đình.
Cũng trong tinh thần “chỉ có một cuộc đời” nên phải cố gắng hết mình để cống hiến cho nhân dân khi đất nước lâm nguy mà không kể đến khó khăn, thậm chí là cái chết cận kề. Đó là khi đợt dịch Covid-19 bùng phát nửa cuối năm 2021 ở các tỉnh phía nam đã có hàng nghìn, hàng vạn cán bộ y tế, các lực lượng bộ đội, công an và các tình nguyện viên đã đi vào vùng dịch để kịp thời ngăn chặn mọi đau thương, chết chóc cho đồng bào.
Mọi người nhớ lại những chuyến xe chở các tình nguyện viên chạy suốt ngày đêm để vào miền Nam chống dịch. Có nhiều khuôn mặt còn trẻ, nhiều người gia đình đang gặp khó khăn nhưng họ đã gạt những khó khăn, phiền muộn sang một bên để lên đường chống dịch. Họ đã đáp lại những công ơn mà những người đi trước đã hy sinh cả máu xương để có được một đất nước toàn vẹn như ngày hôm nay.
Những chiến sĩ tình nguyện này đã thực hiện đúng lời giáo huấn của đại văn hào Pháp, Alexandre Dumas là: “Không khi nào trả xong nợ cho những người đã giúp ta, vì ta không những nợ họ về vật chất, mà ta còn nợ họ một ân nghĩa”.
Chính vì món nợ ân nghĩa với Tổ quốc, với đồng bào mà các “chiến binh dũng cảm” của năm 2021 đã lên đường đi chống đại dịch. Với lòng yêu nước nồng nàn, lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân cứu nước, các y bác sĩ, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên đã hăng hái lên đường với tinh thần “Hy sinh đi đền nợ nước” của các cảm tử quân năm xưa.
Trong chiến dịch chống Covid-19 cuối năm 2021 đã có những y bác sĩ, những quân nhân, những tình nguyện viên bị lây nhiễm Covid-19 và đã hy sinh. Nhiều tổ chức tôn giáo, chính quyền các cấp, nhiều đoàn thể xã hội đã tổ chức nhiều buổi lễ tri ân cầu nguyện để bày tỏ lòng biết ơn đối với những con người đã xả thân vì mạng sống của đồng bào.
Đến những ngày cuối năm 2021 dịch bệnh đã bắt đầu được khống chế. Tình hình đã được kiểm soát. Chính phủ đã đưa ra nhiều phương án hoạt động mới đầy sáng tạo để vừa khống chế dịch bệnh vừa phục hồi lao động sản xuất. Nhiều tổ chức từ thiện đã tài trợ để nuôi dạy các trẻ em mồ côi sau đại dịch.
Tuy nhiên sang đến năm 2022 thế giới lại xuất hiện những tình hình xấu do xung đột ở châu Âu, rồi nạn đói ở châu Phi, lụt lội, hạn hán, động đất liên tục xảy ra trên toàn cầu khiến cho cả thế giới lo lắng. Ở nước ta kinh tế tuy đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng trong lĩnh vực y tế lại có hiện tượng nhiều cán bộ bỏ việc, các bệnh viện thiếu dụng cụ, thuốc men làm người dân không khỏi băn khoăn.
Song như Bác Hồ đã dạy: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” nên nhiều cuộc thảo luận đã được tiến hành để bàn cách tháo gỡ các khó khăn nên bước đầu đã có những dấu hiệu khả quan.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, chúng ta tin tưởng rằng với lòng yêu nước nồng nàn và lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn gian khổ trước mắt để xây dựng thành công đất nước Việt Nam ổn định và phát triển.
Để khép lại bài viết, xin được nhắc lại lời dặn dò của nhà yêu nước vĩ đại người Hungari, ông Louis Kossuth (1802 - 1894): “Lòng yêu nước là nguồn gốc của mọi sự hy sinh, chính cái lẽ duy nhất và cao thượng đó nên không ai nghĩ đến sự tri ân khi làm nghĩa vụ của mình”.