Trong tất cả các sách triết học Đông, Tây, Kim, Cổ đều hết sức đề cao tư duy khôn ngoan nhất của con người, đó là “biết đủ”.
Thế nào là “biết đủ”? Cứ giải thích dần dần thì tự khắc sáng tỏ ra. Trong sách “Cảnh Hằng” có cách đây hàng ngàn năm của “Đông phương cổ học Tinh hoa” đã viết: “Biết đủ thường được vui, nhiều tham lam tất phải nhiều lo nghĩ” (Tri túc thường lạc, đa tham tắc ưu).
“Biết đủ” đây là biết tìm được “điểm dừng”. Trước một cái dốc tụt sâu xuống vực, người lái xe phải tìm cách dừng xe lại, tìm lối khác mà đi, thế mới là khôn ngoan. Thấy dốc cao, vực sâu thăm thẳm vẫn cứ cố lao xe đi thì thật không có gì dại dột và ngu tối bằng.
Những người “biết đủ” thì lúc nào cũng vui vẻ với cái mình đang có, phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình. Những kẻ “không biết đủ” thì dù có tiền nhiều, có địa vị rồi vẫn thấy thèm khát, vẫn thấy ham muốn nữa thì chết là cái chắc, chả thế mà đã có một câu thơ cổ: “Thân ông mấy lượt lấm đầu/ Miếng mồi danh lợi mắc câu vẫn thèm”. Sau mấy trận lấm đầu khốn khổ rồi mà khi nhìn thấy danh lợi vẫn thèm, tức là muốn tự sát rồi, còn gì phải bàn nữa.
Triết gia phương Tây nổi tiếng, ông G.Herbert (1593 - 1633) đã chỉ rõ: “Một người khôn ngoan không nên thèm muốn đến những gì mình không thể có”. Cái khôn ngoan của Herbert muốn dạy bảo ở đây là: Phải biết điểm dừng, phải biết đủ thì mới tồn tại được.
Nếu không thì sẽ không tồn tại được chứ đừng nói gì đến vinh hoa phú quý tưởng tượng trong đầu. Theo dòng thời sự gần đây đã đưa tin ông này, ông nọ có chức có quyền “tranh nhau” vào tù khiến ai cũng giật mình bảo nhau: “Chắc họ không có điểm dừng, không biết đủ nên mới gây ra các tội lỗi ấy. Nghĩ cũng thấm thía, nghĩ cũng sâu sắc đấy”.
Có người lại bàn luận: “Nhưng cái điểm dừng, cái biết đủ còn tùy thuộc vào từng người, chẳng ai giống ai mà bảo nhau được”. Mấy người phụ nữ đứng tuổi thì thào: “Gan các ông ấy to quá, dạ dày các ông ấy to quá nên ăn mãi vẫn chưa thấy đủ!”. Thật không biết lấy gì để làm chuẩn cho cái “điểm dừng” và cái “biết đủ” mà ai cũng tưởng là dễ hiểu, dễ làm.
Trở lại với sách cổ “Cảnh Hằng”, trong đó có viết như sau: “Nhẫn nhịn được là của báu cho thân mình, không biết nhẫn nhịn là cái họa cho thân mình” (Nhẫn thị thân chi bảo, bất nhẫn thân chi họa). Tài tình thay, lời dạy từ hàng ngàn năm trước mà như mới nói ngày hôm qua để dạy cho những ai không biết kiềm chế được lòng tham, không biết tìm điểm dừng, không biết học cách để biết đủ. Thật quá thấm thía từ những bài học cổ xưa.
Có người quá hăng hái, quá phấn khích đã cho rằng việc biết dừng lại, biết đủ cho bản thân là một biểu hiện của yếu đuối, của bạc nhược. Thật sự là họ đã sai lầm, đã có một suy nghĩ thiếu chín chắn. Triết gia P.Osman đã chỉ rõ: “Sự biết đủ đối với mỗi người không phải là biểu hiện của sự bạc nhược, nó chỉ xác nhận một điều rằng: Phần nhiều những chướng ngại vật mà ta gặp phải thường rắn chắc hơn cái đầu của ta”.
Như thế, đó chỉ là quan điểm, chỉ là cách nhìn của một số người. Nếu không đúng đắn, nếu không biện chứng, nếu không có tinh thần phản biện sẽ dễ dàng nhầm lẫn mà chuốc lấy hậu quả không lường trước được.
Nữ thi sĩ thiên tài người Pháp, bà De Maintenon (1635 - 1719) đã an ủi động viên con người như sau: “Nếu anh đã xác định được rằng không thể nào tránh được sự đau khổ, anh sẽ cảm thấy tâm hồn ít đau khổ hơn nhiều”. Lời này của bà Maintenon đã có cách đây 300 năm nhưng nó lại là một quy luật vĩnh cửu cho Tâm lý học hiện đại và Tâm lý học của tương lai.
Nó nhắc nhở con người phải thận trọng tính toán cho các dự án, cho các định hướng. Thắng thì không sao, nhưng nếu thua thì sao? Rõ ràng với các tai họa của thiên nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa, tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng đã thúc đẩy con người phải biết chịu đựng hơn, vượt khó hơn mới hy vọng tồn tại và phát triển trong một tương lai đầy thử thách.
Tạm sơ kết: Từ vi mô (từng cá thể) đến vĩ mô (một cộng đồng, một xã hội) đều phải nắm rõ tinh thần “biết đủ” và biết “điểm dừng” trong việc lập kế hoạch hoạt động (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn).
Đại văn hào La Rochefoucauld (1613 - 1680) đã đánh giá sự biết đủ, biết điểm dừng khi ông viết: “Can đảm đem lại cho ta sức mạnh. Biết đủ giữ cho tâm hồn ta được yên tĩnh”. Trên thực tế đối với đa số người bình thường thì tìm kiếm sự can đảm rất khó. Đó là một phẩm chất rất đặc biệt chỉ dành cho một số người có nghị lực phi thường, có chí tiến thủ mạnh mẽ.
Còn đa số con người bình thường thì phẩm chất giữ cho tâm hồn được yên tĩnh mới là cái khó, cái cần rèn luyện, cần phấn đấu suốt đời. Vì khi tâm trí rối loạn thì mọi việc sẽ hỏng. Tâm hồn yên tĩnh hay tâm bình an chính là phẩm chất cao đẹp nhất để phân biệt được điểm dừng, để nhận thức được biết đủ trong đời sống hàng ngày.
Tránh xa được các tệ nạn xã hội như nghiện, hút, cờ, bạc... cũng cần phải có trí tuệ mới tìm được điểm dừng. Trong các bữa ăn, bữa tiệc, những cám dỗ dễ sa ngã trong đời thường cũng rất cần tìm được điểm dừng.
Phần trên của bài viết đã nói đến các góc nhìn, các màu sắc của “biết đủ” và “điểm dừng”. Đoạn tiếp theo là phần chẩn đoán bệnh cho những ai không biết đủ, không tìm thấy điểm dừng. Đó chính là bệnh tham lam bản năng, có nguồn gốc động vật.
Thi sĩ danh tiếng người Pháp, ông Alfred de Musset (1810 - 1857) có một bài thơ rất hay mô tả hai con đường của một đời người như sau: “Đời có hai đường đi/ Đường thì tiết chế, đường thì thênh thang/ Đường này tắc nghẽn, đường kia lại mở mang/ Đường đầu là biết đủ, đường sau là tham lam”. Những ai đã học văn học Pháp đều rất thích thú về cách gieo vần và âm điệu của bài thơ trong nguyên văn. Chính vì thế nhiều người đã thuộc lòng và áp dụng rất thực tế trong suốt cả một đời.
Một ví dụ thường gặp trong đời sống hàng ngày như sau: Trước một bữa ăn đầy bia rượu, thịt cá, người khôn ngoan chọn ăn uống vừa phải, đủ no. Người thiếu suy nghĩ ăn uống bừa bãi, không điều độ dẫn đến bội thực, ngộ độc bia rượu làm mất tư cách con người sau một bữa nhậu thì thật đáng xấu hổ.
Trong công việc hàng ngày, trong kinh doanh làm ăn buôn bán, những thứ hàng gì, cách thức làm ăn nào kiếm tiền quá dễ thì lại nên nhớ đến bài thơ của Musset mà đắn đo suy nghĩ, cân nhắc lợi hại để tránh cái bẫy chuột đã có sẵn miếng thịt ở bên trong.
Bậc thầy về thơ ngụ ngôn Pháp, ông Jean de la Fontaine (1621 - 1695) cũng để lại cho đời những lời khuyên về cái hại của sự tham lam, trong lòng không biết có điểm dừng, không biết đủ như sau: “Người đời đã thấy bao nhà/ Từ đêm đến sáng hóa ra nghèo nàn/ Vì tham muốn được giầu sang”, hoặc “Ai tham lam quá muốn vơ vét cho đầy thường thường bị mất hết”.
Những câu ngụ ngôn ấy của La Fontaine có cách đây đã hơn 300 năm mà sao vẫn thấy quá đúng so với những điều chúng ta đang nghe thấy, đang nhìn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây.
Nhà hiền triết nổi tiếng Sébastien Chamfort (1741 - 1794) đã tìm ra cái cơ chế hoạt động của lòng tham khi ông viết: “Lòng tham lam bắt rễ ở tâm hồn thấp hèn một cách dễ dàng, còn rất khó chạm tới được tâm hồn cao thượng. Cũng giống như ngọn lửa bắt cháy một cách mau chóng vào rơm rạ, còn rất khó bám vào được ngôi nhà kiên cố”. Một thí dụ về triết học rất dễ hiểu, rất bình dân nhưng có sự so sánh rất chính xác, rất xúc tích. Rất nhiều tác giả đã phải khen lời này của Chamfort như sau: “Mấy trăm năm rồi, hôm nay lời của Chamfort vẫn chính xác hoàn toàn”.
Khi đã xác định được hoàn cảnh thực tế của mình, khả năng mà mình phải cố hết sức mới có thể đạt được thì sự tỉnh táo nhất, khôn ngoan nhất là phải chọn cho mình một phương án hành động thích hợp như gợi ý của tác giả Thomas Middleton (1570 – 1627) là: “Thà đi bộ còn hơn cưỡi ngựa mà bị ngã”. Đừng liều lĩnh quá, đừng phiêu lưu quá, phải thực tế hơn, biết đủ hơn, biết điểm dừng hơn sẽ được sống yên ổn. Đi bộ chậm nhưng chắc chắn đến nơi, đi ngựa không vững mà ngã què chân thì chẳng bõ. Chân lý quá đơn giản như thế mà vẫn có người mắc phải, vẫn có người sai lầm thì thật khó hiểu.
Còn tác giả Ben Johnson (1573 - 1637) thì xác định cái ngu dốt của sự tham lam như sau: “Kẻ tham lam không bao giờ đạt được mục đích cả, vì lòng tham càng tiến tới trước thì mục đích càng đi lùi lại sau”.
Câu này mới đọc thì tưởng là khó hiểu nhưng càng suy nghĩ lại càng thấy tác giả phương Tây này đã nói rất giống một ý với “Đông phương cổ học Tinh hoa” là: “Nếu lòng tham của con người mà thắng thì chả lẽ các quy luật lại là sai à!” (Nhân dục thắng nhi, thiên lý vong).
Cái quy luật mà cả phương Đông và phương Tây đều thống nhất là quy luật “nhân quả”, trong đó có nội dung rất quan trọng là: “Gieo mầm tham lam sẽ gặt được quả cay đắng, gieo gió sẽ gặt bão, gieo hạt mầm tốt sẽ gặt được quả ngọt”.
Suy đi không bằng nghĩ lại, ai biết đủ, ai biết điểm dừng trong cuộc sống vẫn mãi mãi là người khôn ngoan!