Tỉnh Long An đang từng bước dẹp bỏ các sạp hàng buôn bán chim trong chợ nông sản Thạnh Hóa (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An). Theo kế hoạch ban đầu, chợ (nằm trên quốc lộ 62) sẽ là đầu mối buôn bán nông thủy sản của khu vực. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hầu hết tiểu thương trong chợ chỉ buôn bán và được nhiều người biết tới với một loại hàng duy nhất, đó là “chim trời”.
Rao bán hàng trăm loại chim trời
Nhiều năm qua, việc những tiểu thương ở chợ nông sản Thạnh Hóa (còn gọi là chợ chim trời) rao bán các loại chim, rùa, rắn... quý hiếm đã không còn lén lút mà rất công khai. Tại chợ, những sạp hàng được đầu tư xây dựng khá khang trang, có mái che và tường gạch kín, nền đổ bê-tông. Có nhiều mặt hàng được bán tại chợ như tôm, cá, rắn, rùa, khoai mỡ, thơm (dứa), rau củ quả, mắm cá...
Tuy nhiên, hầu hết khách hàng ghé chợ đều chỉ tìm mua một loại hàng duy nhất là các loại chim trời. Và khách hàng tại chợ cũng hầu hết là người di chuyển trên quốc lộ bởi chợ nằm khá biệt lập với các khu dân cư xung quanh. Dù không nhộn nhịp như quốc lộ 1A nhưng đây là tuyến đường tắt từ TPHCM đi Đồng Tháp, An Giang... nên có rất đông phương tiện qua lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận được phản ánh nhiều lần của người dân và báo chí cũng như các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, tỉnh Long An quyết tâm mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng bát nháo, lộn xộn ở khu chợ chim trời này.
Ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết sắp tới chính quyền sẽ cùng một số mạnh thường quân tiến hành mua lại toàn bộ các loại động vật hoang dã của các tiểu thương đang bán tại chợ và tổ chức thả về môi trường tự nhiên. Các tiểu thương trong chợ sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để chuyển đổi nghề hoặc duy trì kinh doanh tại chợ với các mặt hàng nông sản thông thường. Việc buôn bán động vật trong chợ sẽ bị nghiêm cấm, trừ chuột đồng và gia cầm nuôi thương phẩm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tiến hành rà soát, làm việc với từng hộ dân đang kinh doanh tại chợ và tuyên truyền để bà con chuyển đổi mặt hàng kinh doanh. Toàn bộ các loại chim, động vật hoang dã khác (như rắn, rùa...) sẽ bị cấm bán tại chợ để đảm bảo chợ là nơi dừng chân cho khách qua đường với các mặt hàng là nông sản địa phương.
Tiểu thương nói gì?
Sau khi biết tin UBND tỉnh Long An sẽ dẹp chợ chim và cấm bán chim, động vật không có nguồn gốc tại chợ, đa phần các tiểu thương đồng thuận nhưng họ lại khá lo lắng về việc buôn bán trong thời gian tới.
Bà Lê Mỹ Tiên, chủ một sạp hàng mua bán chim cảnh ở chợ cho biết giá thuê mặt bằng và tiền điện nước mỗi tháng hết khoảng 5 triệu đồng. Bà con tiểu thương ở đây chủ yếu bán các loại chim cho khách mua về làm nuôi cảnh. Tuy nhiên, thời gian tới nếu chính quyền không cho bán chim mà chỉ bán nông sản, chuột đồng, cá thì người kinh doanh cũng sẽ chấp hành.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng có chút lo lắng và bối rối, không biết việc kinh doanh thời gian tới sẽ như thế nào?” – bà Tiên nói.
Theo quan sát của chúng tôi, do nằm trên tuyến quốc lộ 62 và chỉ cách huyện Bình Chánh (TPHCM) khoảng 1 giờ chạy xe nên chợ này thu hút rất đông khách, hầu hết là người ở TPHCM. Hiện có khoảng 20 sạp trong chợ vẫn bày bán các loại chim. Nhiều loại nhốt trong lồng như cò, vạc, diệc xám, le le, cu đất, trích cồ, vịt trời, đại bàng con....
Khi hỏi mua, chủ một sạp hàng quảng cáo ở đây còn nhiều loại chim khác, nếu có nhu cầu chỉ cần để lại số điện thoại sẽ gửi tận nhà sau một vài ngày.
Không dễ dẹp nạn mua bán “chim trời”
Thực tế việc đóng cửa các sạp hàng bán chim trời ở chợ nông sản Thạnh Hóa này khá đơn giản, bởi đây là nơi được xây dựng, quy hoạch bài bản. Tuy nhiên, để dẹp nạn mua bán, và sâu xa hơn là đánh bắt, khai thác các loại chim trời, động vật hoang dã vùng Đồng Tháp Mười lại không hề dễ dàng. Nhất là khi mùa mưa tới, cả một vùng rộng lớn hàng trăm cây số vuông ngập trong nước với nhiều loại động vật đặc trưng như chim trời, rắn, cá, rùa... từ Campuchia tràn sang.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài các tiểu thương ở khu chợ nông sản Thạnh Hóa thì hiện nay dọc tuyến quốc lộ 62, quốc lộ N2 đi qua địa bàn tỉnh Long An hiện có khoảng 30 tới 40 sạp buôn bán động vật hoang dã khác. Các gian hàng này chủ yếu nằm ở địa bàn huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Bến Lức và Tân Thạnh. Thậm chí nhiều gian hàng ở quốc lộ N2 còn bày bán nhiều chim hơn cả bên chợ nông sản Thạnh Hóa do nơi này xa khu dân cư, khó kiểm tra nhưng nhiều xe cộ qua lại. Với chiêu bài bày bán các gia cầm thông dụng như gà, vịt, chim bồ câu, cò... ở trước. Khi khách di dừng lại, người bán sẽ chào hàng thêm các sản phẩm là động vật hoang dã được nuôi nhốt gần đó với giá cả thỏa thuận. Việc mua bán như vậy sẽ khiến cho lực lượng chức năng khó quản lý hơn bởi khi kiểm tra, các loại động vật hoang dã bị nghiêm cấm mua bán không có ở cửa hàng.
Vài năm gần đây, lực lượng chức năng liên tục giám sát, kiểm tra thì nhiều người đã bỏ chợ, ra ven quốc lộ dựng tạm những lều bạt, nhà tạm để buôn bán với hình thức như trên. Theo nhiều người, khi mùa mưa bắt đầu (tháng 5), khu vực này có nước từ thượng nguồn Campuchia đổ về kèm theo rất nhiều đặc sản chim trời, rắn nước thì số tiệm buôn bán sẽ còn nở rộ thêm nhiều hơn nữa.
Việc dẹp bỏ tình trạng mua bán chim trời, động vật hoang dã sinh sống vùng bán ngập nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, song song với đó cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không đánh bắt cũng như nuôi nhốt, sử dụng những món ăn từ chim trời.
“Sắp tới chính quyền sẽ cùng một số mạnh thường quân tiến hành mua lại toàn bộ các loại động vật hoang dã của các tiểu thương đang bán tại chợ và tổ chức thả về môi trường tự nhiên” - Ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, Long An) cho biết.