Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) đã kín đơn hàng đến cuối năm và bắt đầu đàm phán cho giai đoạn đầu 2025.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may trong tháng 7 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 có kim ngạch XK dệt may vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8/2022.
Lũy kế 7 tháng năm 2024, XK dệt may đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD; trong đó, hàng xơ sợi dệt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ; hàng dệt may đạt 20,2 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ; vải mảnh, vải kỹ thuật khác đạt 458 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ và nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 878 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cho biết, năm 2024, đối với ngành may, đơn hàng không quá khó như năm trước, hiện các DN có đủ đơn hàng đến tháng 10 và được ký dài hơn.
Còn thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng. Tại thị trường XK lớn là Mỹ, tồn kho quần áo nửa đầu năm nay đạt 2.172 tỷ USD, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ và duy trì mức thấp hơn so với nửa đầu năm 2022, 2023. Trong khi, doanh số bán lẻ mặt hàng này tăng 1,2% cùng giai đoạn, nối tiếp xu hướng phục hồi từ tháng 10 năm ngoái. 7 tháng qua, Mỹ chi 8,93 tỷ USD nhập quần áo "made in Vietnam", tăng 5,5%.
Kết quả kinh doanh của một số DN dệt may cũng đã có mảng sáng. Như Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM), doanh thu 6 tháng đạt 1.780 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 134 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện TCM cho biết đến hiện tại đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch cho đơn hàng quý 3 và khoảng 86% cho quý 4. Lãnh đạo TCM kỳ vọng công ty sẽ mang về doanh thu 157,7 triệu USD, tương đương hơn 3.700 tỷ đồng.
Hay Dệt may TNG ghi nhận doanh thu 2.174 tỷ đồng và lãi sau thuế 86 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,8% và 57,1% trong quý 2 so với cùng kỳ.
Tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA
Ngành dệt may đã có những dấu hiệu khởi sắc rõ nét. Tuy nhiên theo đánh giá chung, nhu cầu hàng may mặc tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15 - 20% để hỗ trợ XK, giành lại thị phần.
Để ứng phó với những khó khăn, bất định của thị trường, theo khuyến nghị từ các chuyên gia, DN cần tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, các chính sách phúc lợi cho người lao động, DN cần tiếp tục hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, xã hội và người lao động, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng.
Chuyên gia kinh tế Trần Quốc Phương cho rằng, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. Chính vì thế, các DN cần tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA tham gia các chuỗi cung ứng để có khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may.
Cùng với đó, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do trong sử dụng lao động, sử dụng nguyên liệu đầu vào, đáp ứng phát triển bền vững khi XK; chủ động chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất để đón “sóng” đơn hàng mới. Xa hơn, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công thương xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam. Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, tập trung quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài; hỗ trợ DN trong công tác truy xuất nguồn gốc xuất xứ; triển khai hoạt động kết nối, giao thương và triển lãm sản phẩm, công nghệ sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may - da giày; cập nhật xu hướng, công nghệ sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may - da giày… nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.