Kết quả xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 của ngành dệt may có những nét khả quan khi xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD. Song, theo dự báo của giới chuyên gia, nửa cuối năm 2022 có những yếu tố không mấy thuận lợi gây khó khăn cho mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 43-43,5 tỷ USD của toàn ngành.
Số liệu thống kê của ngành dệt may cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng trưởng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5%, xuất khẩu vải ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%. Nửa đầu năm 2022, các DN dệt may trong nước nhập khẩu ước đạt 13,44 tỷ USD, tăng 9,8%. Như vậy nửa đầu năm 2022, ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD.
Với những tín hiệu này, có thể thấy, mục tiêu đạt kim ngạch của cả năm vào khoảng 43 tỷ USD mà ngành dệt may đặt ra là khá khả thi.
Tuy nhiên, thực tế những diễn biến của bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước, cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 còn khá phức tạp đẩy ngành dệt may trước những khó khăn nhất định. Theo đó, xung đột Nga - Ukraine chưa thấy có dấu hiệu kết thúc khiến DN xuất khẩu sang thị trường này gặp khó. Cuộc xung đột kéo dài khiến nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn, DN dè dặt không dám mở rộng sản xuất. Với trở ngại này, nhiều DN ngành dệt may bày tỏ lo ngại, cho dù thị trường có cải thiện DN cũng không dám đầu tư cho sản xuất do không đáp ứng được đơn hàng. Mặt khác, lao động cũng đang rất thiếu. Trong khi đó, từ ngày 1/7, chính thức áp dụng tăng lương cơ bản, việc này tuy không ảnh hưởng nhiều đến quỹ lương bởi hầu hết DN hiện đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu nhưng khiến chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của DN tăng.
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10- CTCP, giá nguyên liệu đầu vào đang chịu ảnh hưởng tự cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tình trạng giá xăng dầu, khí đốt leo thang đã và đang kéo theo giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt, với 50% nguyên vật liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi quốc gia này áp dụng chiến lược zero Covid khiến thiếu nguyên liệu sản xuất ngay trong ngắn hạn...
Trong bối cảnh đó, trước những rào cản mà ngành dệt may đang phải đối diện, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần có khuyến cáo hoặc định hướng cho DN làm thế nào để đảm bảo an toàn cho hàng hoá ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung ứng ở tình trạng gián đoạn. Còn ở trong nước, các chi phí đầu vào tăng cao và tiếp tục được thu thêm như phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh cũng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Trước thực tế đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng ở những thời điểm cần thiết cần hỗ trợ, giảm bớt chi phí, điều chỉnh chính sách tiền tệ hỗ trợ cho DN.
Nói về những giải pháp ứng phó trước những khó khăn mà toàn ngành dệt may đang phải đối mặt, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, đối với ngành sợi, các DN cần theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, chọn thời điểm mua bông phù hợp và mua theo từng lô nhỏ để trung hòa giá bông và tránh rủi ro. Chuyển đổi mặt hàng, tăng cường các mặt hàng sợi pha nhằm giảm sử dụng bông. Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do tồn kho sợi, bông tại thị trường này hiện đang cao. “Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, liên kết chuỗi sản xuất sợi – dệt – nhuộm để đưa sợi thành phẩm vào chuỗi sản xuất dệt nhuộm của các đơn vị trong tập đoàn nhằm san sẻ bớt rủi ro nếu có” – Tập đoàn Dệt may nhận định.