Đi đầu chống dịch

Tuệ Phương 29/01/2022 08:40

Số ca mắc Covid-19 vẫn tăng, nhưng áp lực dành cho những cán bộ Mặt trận cơ sở lại từng bước giảm đi. Tưởng như nghịch lý, nhưng lại là thực tế. Đó là thành quả của quá trình vận động suốt 2 năm qua, khiến ý thức người dân tăng lên. Đó cũng là khi những cán bộ Mặt trận ngày càng thích ứng với điều kiện mới, ứng dụng công nghệ cho công tác phòng, chống dịch. Nhiệt huyết kết hợp với sáng tạo, đã mở ra chương mới trong hoạt động Mặt trận.

Cán bộ Mặt trận và chính quyền Tổ dân phố số 6, phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) hỗ trợ người dân
phòng dịch.

1. Vừa mới ngủ dậy, thói quen đầu tiên của ông Nguyễn Hữu Sinh - Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 6 (phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) là kiểm tra tin nhắn qua Zalo. Sau khi nắm tình hình từ Nhóm hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà, Tổ Covid cộng đồng, nếu xảy ra những tình huống phức tạp, như có ca mắc mới tại cộng đồng, lập tức ông Sinh lại lên đường. Nếu suôn sẻ, công việc tiếp theo của ông sẽ là hỏi thăm những gia đình có người mắc Covid-19 điều trị tại nhà.

Ông Sinh chia sẻ: “Công việc vẫn cứ tíu tít như con mọn ấy. Nhưng người dân phường chúng tôi đều ý thức cao. Không phải nhắc nhở việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi ra nơi công cộng nữa. Hễ có thông báo có ca mắc Covid-19 phải điều trị tại nhà là người dân chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại qua khu vực. Đấy là điều mà chúng tôi rất vui”.

Ông Sinh bồi hồi nhớ lại suốt hai năm ròng rã chống dịch. Đã hơn 70 tuổi, nhưng “ông Mặt trận” luôn xông pha không chịu thua kém gì những thanh niên trẻ tuổi, nhất là giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vừa vận động mọi người thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa tham gia các chốt “vùng xanh”, lại “kiêm nhiệm” luôn việc phân phối, cung cấp nhu yếu phẩm giúp các gia đình có trong khu vực phong tỏa.

Nhiều lúc về đến nhà muốn nằm nghỉ ngơi. “Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già”, các cụ đã bảo thế. Nhưng vì lo cho sự an toàn của khu dân cư mình, mà lắm khi, về nhà chưa kịp và miếng cơm vào miệng, lại vội vã lên đường. Hà Nội vẫn đang trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng. Nhiều ngày thành phố “dẫn đầu” cả nước về số ca mắc. Nhưng không vì thế, mà không nói đến “trái ngọt” mà hành trình không mỏi của cấp Ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương đã triển khai. Đó chính là ý thức cộng đồng.

Ý thức đó đã góp phần giảm tải công việc cho các cán bộ như ông Nguyễn Hữu Sinh. Thêm vào đó, quận Tây Hồ còn có sáng kiến lập các nhóm Zalo để hỗ trợ phòng dịch. Tổ dân phố số 6 có 240 hộ dân thì được chia ra làm bốn nhóm Zalo. Ông Sinh vừa là Tổ phó Tổ Covid cộng đồng, vừa là nhóm trưởng của một nhóm Zalo gồm gần 60 hộ gia đình. Ông cũng đồng thời là thành viên Nhóm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Ông Sinh chia sẻ thêm: “Tôi cho rằng Nhóm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà là mô hình rất hay cần được nhân rộng. Ở địa bàn chúng tôi, thành viên của nhóm gồm đại diện Đoàn Thanh niên, cán bộ y tế, đại diện nhà thuốc, những người từng công tác trong ngành y tế. Còn bản thân tôi quán xuyến những công việc chung, tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh, nhất là hỗ trợ các gia đình khi cần. Tôi cho rằng, các địa phương cần nhân rộng mô hình này, giúp cho hệ thống y tế không bị quá tải, mà người mắc Covid-19 yên tâm khi được hỗ trợ tại gia đình”.

Trước đây ai cũng nghĩ cán bộ Mặt trận thì khó thích nghi công nghệ, khi phần lớn là người cao tuổi. Nhưng những cán bộ như ông Sinh nhắn tin, gọi điện cập nhật tình hình qua Zalo một cách thành thạo. Ông còn vận động các gia đình cử đại diện tham gia nhóm Zalo để phòng, chống dịch bệnh. Ông Sinh cho biết, có đến hơn 80% cư dân trên địa bàn phường Thuỵ Khuê đã tham gia hoạt động trong các nhóm Zalo. Điều đó giúp cán bộ Mặt trận như ông giảm tải rất nhiều.

2. Cuộc chiến chống Covid-19 còn nhiều khó khăn. Trong cuộc chiến ấy, ngay cả những phụ nữ vốn được xem là chân yếu tay mềm, cũng trở thành “chân cứng, đá mềm”. Đó là câu chuyện của bà Võ Thị Ánh Hương - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đất Lành (xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Cùng lúc gánh “hai vai” trách nhiệm, nên khi dịch Covid-19 “gõ cửa” xã Vĩnh Thái, công việc của bà Hương bỗng nhân lên nhiều lần.

“Bà Hương Mặt trận” vừa hướng dẫn công tác phòng dịch, vừa thăm hỏi, động viên nhân dân, các tình nguyện viên làm nhiệm vụ. Với phương châm không để ai phải thiếu thốn lúc giãn cách, bà như con thoi đi lại vận động các nhà hảo tâm và người dân tích cực tham gia góp rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm để ủng hộ người dân đang sống trong khu vực bị cách ly, phong tỏa không thể ra ngoài.

“Có những thời điểm công việc rất nhiều phải làm việc cả ban đêm, kể cả ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật; nhiều đêm tham gia cấp phát quà cho nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến 10, 11 giờ đêm mới về đến nhà. Mình cũng mệt mỏi lắm. Nhưng nghĩ việc làm của mình sẽ góp một phần cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi nhà là mệt mỏi hầu như tan biến”, bà Hương chia sẻ. Dù chính quyền đặt ra nhiều chế tài, nhưng tuyên truyền vận động vẫn là phương thức thực hiện chính.

Bà Hương cùng các cán bộ thôn Đất Lành mau chóng có sáng kiến thành lập các nhóm Zalo, Facebook để thông qua nhóm này gửi đến các thành viên Ban công tác Mặt trận, Tổ cứu trợ, Tổ vận động những thông tin chính xác nhất, nhanh nhất, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch của thôn Đất Lành. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh, các nhóm công tác đã phát huy hiệu quả thông tin, khi phải hạn chế tiếp xúc. Đặc biệt, có thời gian toàn thôn phải thực hiện cách ly y tế. Chính quyền, đoàn thể vừa phải chống dịch, vừa phải lo hỗ trợ nhân dân.

Hầu như địa bàn nào cũng có những “bà Mặt trận”, “chị Mặt trận” như thế. Ở Phú Thọ, xã Chu Hoá (thành phố Việt Trì) từng là “vùng đỏ”, với 250 trường hợp F0. Ở một tỉnh trung du, đó là con số thực sự “khủng khiếp” với nhiều người. Nhưng “nữ tướng” Mặt trận của xã Chu Hoá Trần Thị Điệp lúc nào cũng vững vàng. Là cán bộ cấp xã, bà hoàn toàn có thể làm tròn trách nhiệm của mình trong vai trò một người tổ chức, điều hành, phối hợp vận động.

Song, bà Điệp đích thân xung phong ra “tiền tuyến”, tham gia giữ chốt, tham gia truy vết cùng mọi người. Dịch bệnh ở Chu Hoá đã được kiểm soát, nhưng bà Điệp vẫn chưa “gỡ” được những gánh nặng trên vai. Bởi bà và các lực lượng chống dịch của xã vẫn đang ngày đêm giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đặc biệt là nắm bắt sát sao tình hình sức khỏe của nhân dân, nhất là đối với các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà hoặc F0 mới khỏi bệnh, các F1 và F2 hết thời hạn cách ly y tế...

3. Câu chuyện phòng, chống dịch Covid-19 đã qua nhiều diễn biến khác nhau suốt hai năm qua. Nhưng câu chuyện của những người trong cuộc đều cho thấy những tín hiệu vui. Chúng ta đang đối mặt với dịch bệnh với một tâm thế mới. Dù ca bệnh vẫn cao, nhưng chúng ta chủ động hơn, người dân tuân thủ công tác phòng dịch tốt hơn, việc ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch ngày càng phổ biến hơn. Cùng với đó, nhiệm vụ của cán bộ Mặt trận đỡ nặng nề hơn, do ý thức cộng đồng được nâng cao. Những sáng tạo trong quá trình vận động, nhất là cán bộ Mặt trận ngày càng được “công nghệ hoá” điều ấy giúp cho hoạt động vận động thuận tiện, linh hoạt hơn. Covid-19 rồi sẽ qua đi. Dịch bệnh là lời khẳng định của đội ngũ cán bộ Mặt trận trong thích ứng, trong đối phó với những tình huống phức tạp. Dịch bệnh cũng để lại những “di sản” quan trọng cho hoạt động Mặt trận sau này. Sáng tạo, thích ứng và làm chủ công nghệ sẽ mở ra một chương mới trong hoạt động Mặt trận trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi đầu chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO