Sau khi di dời các cơ sở được cho là gây thảm họa ra khỏi thành phố để bớt độc hại, không thể tiếp tục biến các khu đất “vàng” sau khi di dời trở thành các bất động sản. Nếu điều đó xảy ra sẽ là nguy cơ gây thảm họa cho Hà Nội bằng một cách khác. Đó là thảm họa mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt, không khí không dễ nhìn thấy.
Khu nhà xưởng của Công ty Rạng Đông trong vụ cháy.
Hỗ trợ cơ chế chính sách
Từ sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, việc di dời cơ sở, nhà máy sản xuất sử dụng hóa chất độc hại ra khỏi khu vực nội đô trở thành vấn đề nóng được người dân quan tâm. Trong văn bản chỉ đạo ngày 9/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát, thống kê, lên phương án đẩy nhanh việc di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung. Như vậy, việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô là việc làm cấp bách.
GS Phạm Ngọc Đăng- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: Từ hậu quả của vụ cháy Công ty Rạng Đông, TP Hà Nội cần nghiêm túc điều tra, đánh giá lại thật cụ thể, chính xác tất cả các hoạt động của các cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở nào có nguồn thải gây ô nhiễm, sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại… thì phải có giải pháp khẩn cấp đưa ra khỏi nội đô, nếu không khi xảy ra sự cố hậu quả sẽ khôn lường.
Tuy nhiên, để di dời các cơ sở sản xuất này ra khỏi nội đô cần cơ chế chính sách đủ mạnh tạo điều kiện cho các cơ sở này di dời. Vì sao phải cần cơ chế đủ mạnh, theo ông Đào Ngọc Nghiêm- nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt. Thêm vào đó, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ xanh, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến. Nguồn lực nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế…Theo đó, không chỉ hỗ trợ về tài chính, chính quyền TP phải tạo điều kiện về quỹ đất và một số cơ chế khác để các cơ sở sản xuất này nhanh chóng di dời.
Ở một góc nhìn khác về di dời các nhà máy, ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhiều cơ sở dù nằm trong danh sách cần di chuyển gấp nhưng vẫn chây ỳ. Vì thế, thành phố cần có một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất. Ngoài ra, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn nên muốn di dời, thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng.
Không biến thành cao ốc
Vấn đề quỹ đất sau di dời sẽ dùng vào việc gì đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, làm thế nào để quỹ đất này không hồn nhiên trở hành các cao ốc phải có những chế tài đủ mạnh.
Để hạn chế bớt tình trạng “ôm” đất sau khi đã di dời ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, chứ không để tình trạng các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành.
Chỉ rõ lý do vì sao quỹ đất sau di dời hầu hết biến thành bất động sản, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết, rất nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp sau khi di dời được quy hoạch là không gian công cộng là cây xanh thì trong chớp mắt trở thành bất động sản đất tiền, thương mại không gian công cộng được lờ đi một cách hồn nhiên. Việc các cao ốc lần lượt mọc lên ở quỹ đất đã được di dời chứ không phải là công trình công cộng là câu trả lời cho sự thiếu kiểm soát, giám sát sự nhờn luật khiến các đơn vị khác tiếp tục ôm đất, có nguy cơ biến thành các công trình bất động sản khác, hậu quả là gây áp lực lên hạ tầng trong khu vực nội đô. “Vậy ai là người băm nát Hà Nội hay chính chúng ta tự ta băm nát mình”- KTS Trần Huy Ánh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi liệu tốc độ di dời có được đẩy nhanh sau chỉ đạo của 2 Phó Thủ tướng Chính phủ mới đây, KTS Trần Huy Ánh cho biết, chúng ta thấy được sự quyết tâm của Chính phủ, tập trung sau một thời gian theo dõi việc di dời thì những động thái vừa qua người ta tin rằng những định hướng đem lại chất lượng sống tốt đẹp cho đô thị là có thật. Có thể mọi chuyện sẽ không giẫm chân tại chỗ như thời gian qua.
Tuy nhiên, điều cần làm hơn cả theo KTS Trần Huy Ánh sau khi di dời các cơ sở được cho là gây thảm họa ra khỏi thành phố để bớt độc hại thì trở thành bất động sản là nguy cơ gây thảm họa cho thành phố bằng một cách khác, đó là thảm họa mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt, không khí không thể nhìn thấy được. Đó là sự ngấm ngầm của bụi mịn chất độc chì trong xăng xe hằng ngày lan tỏa. Di dời cái này tưởng sẽ tốt hơn nhưng không khéo lại đến một thảm họa khác. Bởi vụ Rạng Đông chỉ vài đêm rồi những câu chuyện ồn ào sẽ qua đi. Nhưng di dời rồi quỹ đất ấy không được quy hoạch, quản lý hợp lý, lại bị nhồi nhét chung cư, phá vỡ quy hoạch đô thị… thì hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn..