Từ một người đi xay bột dong thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, chị Triệu Thị Tá, dân tộc Dao, ở thôn Nà Viễn (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã tự thành lập được cơ sở sản xuất miến dong với thương hiệu mang tên mình, cho doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Câu chuyện của chị Tá cũng chính là gợi ý cho nhiều người chọn lựa “điểm đột phá”để thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Bà con người Dao huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phát triển kinh tế vườn đồi Nguồn: LNGTV.
Hơn 10 năm trước, chị Tá đơn thuần chỉ xay bột dong rồi đem bán cho những người làm miến ở dưới xuôi. Làm mãi cũng không giàu, chị Tá nghĩ: Tại sao mình lại không thể làm miến giống dưới xuôi để bán?
Từ đó, với quyết tâm lớn, chị Tá đã phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng hoàn toàn mới, thu được lợi nhuận cao. Đáng chú ý, khi công việc ngày càng tiến triển tốt đẹp, chị Tá nghĩ tới việc xây dựng uy tín, không để sản phẩm của mình bị nhái. Thành lập cơ sở sản xuất miến dong, càng có điều kiện để chị Tá cùng mọi người thực hiện điều đó.
Tới nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất của chị Tá sử dụng 5 - 6 tạ tinh bột, vừa đem lại thu nhập cao lại vừa góp phần tích cực bao tiêu tinh bột dong cho các thôn vùng cao của xã Yến Dương; cũng có nghĩa là tạo công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn cho không ít bà con. Gần như khép kín từ thu mua đến chế biến, tiêu thụ, mô hình tích cực làm miến dong của chị Triệu Thị Tá rất cần được học tập, nhân rộng.
Cũng có cách làm ăn tốt nữa của chị em người Dao, đó là tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây có nhiều chị em thêu sáp ong - sản vật “bảo bối” của địa phương, từ đó cũngcó thu nhập tốt.
Huyện Nguyên Bình năm trong trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ. Truyền thống văn hóa tốt đẹp của bà con còn lưu giữ và phát triển trong cuộc sống hôm nay; trong đó có nghề thêu sáp ong.
Hầu hết phụ nữ Dao từ nhỏ đều được các bà, các mẹ dạy nghề thêu, làm những sản phẩm thêu truyền thống của dân tộc. Từng nét hoa văn từ đơn giản đến phức tạp, sản phẩm từ nhỏ như khăn, mũ đến lớn như địu, áo… phụ nữ Dao đều tự làm. Ở nhóm thêu thổ cẩm người Dao xóm Nà Chắn (xã Hoa Thám), nhiều chị có thể tự làm mọi công đoạn, từ vẽ sáp ong đến thêu thành một sản phẩm hoàn thiện. Mọi người nhận thức rằng, cùng vớiviệc giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc, thêu sáp ong còn phải đáp ứng nhu cầu đặt mua cho du khách, nâng cao thu nhập, đồng thờicũng là một hình thức quảng bá du lịch hiệu quả.
Được biết, bà con người Dao lấy sáp ong từ những tổ mật ong rừng đem về, sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Đun phần trong cho đến khi nước cô đặc, thì đổ ra để nguội khoảng 2-3 ngày để tạo thành một khối sáp mịn. Đun sáp ong phải chú ý độ đậm đặc, bởi đặc quá thì sáp không ăn vải, còn loãng quá in hoa văn sẽ bị nhòe.
Tới nay, nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn có gần 20 thành viên, công việc đang phát triển tốt. Sản phẩm của họ đã có mặt tại các hội chợ, được nhiều tổ chức, cá nhân đặt hàng. Việc tiêu thụ được sản phẩm đang góp phần tạo việc làm cho các thành viên với thu nhập bình quân hằng tháng đạt trên 2 triệu đồng/người.
Như vậy, với việc làm miến dong của chị Triệu Thị Tá (Bắc Kạn) và nhóm thêu sáp ong của chị em người Dao (Cao Bằng) có thể thấy nếu phát huy lợi thế của chính địa phương mình thì cơ hội thành công là rất lớn.