Tinh hoa Việt

Di sản múa: Điểm nhấn trong phát triển du lịch

TS TRẦN HỮU SƠN 13/07/2024 06:48

Hiện nay, du lịch ở Việt Nam phát triển khá mạnh. Và nghệ thuật múa đã trở thành hồn cốt xây dựng lên chương trình văn nghệ phục vụ du lịch theo nhiều hình thức khác nhau…

di-3.jpg
Những điệu múa của người Dao được dàn dựng và biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Đặc sắc di sản múa

Di sản múa của các dân tộc khá phong phú. Hầu hết các dân tộc thiểu số đều có nghệ thuật múa nhưng đặc điểm chung của di sản múa các dân tộc là gắn liền với các nghi lễ, phong tục tập quán tạo thành chỉnh thể nguyên hợp.

Nghệ thuật múa chỉ là một thành tố trong tổng thể của nghi lễ phong tục. Hầu hết các di sản múa đều không tách rời khỏi môi trường diễn xướng.

Di sản múa các dân tộc thiểu số có hai loại hình chủ yếu là múa trong nghi lễ và múa sinh hoạt. Múa trong nghi lễ tín ngưỡng là loại hình quan trọng nhất. Chức năng của loại hình múa này là múa thiêng, ngôn ngữ của múa là ngôn ngữ giao tiếp của cộng đồng với thần linh. Loại hình thứ hai là múa trong sinh hoạt như múa trong các ngày hội, múa đón khách, múa mời rượu…

Dù múa xuất hiện trong loại hình nào đều là một thành tố của các sinh hoạt văn hóa, các diễn xướng mang đặc trưng tổng thể nguyên hợp. Sau này các nhà nghiên cứu (thời kỳ đầu chủ yếu là các biên đạo múa của đoàn văn công) đi điền dã sưu tầm, quan sát tham dự các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, tách di sản múa ra khỏi môi trường, rời khỏi các thành tố nghệ thuật và đặt tên cho các di sản múa.

Việc phân tách như vậy có ưu điểm là nêu bật được đặc điểm các động tác múa phục vụ cho nhiệm vụ cải biên, xây dựng tác phẩm và truyền dạy di sản.

Nhưng hạn chế lớn nhất của việc tách di sản khỏi bối cảnh, khỏi môi trường nuôi dưỡng là dẫn đến tình trạng hiểu sai về chức năng của múa, thậm chí nghiên cứu múa dưới lăng kính thuần túy của người nghệ sĩ mà thiếu chất khoa học.

Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mông không có múa ô, nhưng các biên đạo đi thực tế vùng Tây Bắc thấy phụ nữ người Mông cầm ô leo dốc có dáng đi xúng xính, do đó nhà biên đạo đã sáng tác ra điệu múa ô.

Sau này múa ô gắn với múa khèn trở thành điệu múa giao duyên nổi tiếng trên mọi sân khấu có hình tượng múa Mông. Hoặc có tác giả khi quan sát thấy người Dao mang các đạo cụ là các công cụ sản xuất như sàng, rìu, dao… thì cho rằng người Dao có múa sản xuất nổi tiếng.

Nhưng thực ra các đạo cụ này là các đạo cụ của các thầy cúng người Dao dùng trong lễ Pút Tồng (lễ Nhập Đồng). Họ đã hóa thân thành Thiên Lý Nhãn tướng quân (vị tướng có nhiều mắt nhìn xa nghìn dặm). Họ lấy cái sàng có nhiều mắt làm đạo cụ như kiểu kính chiếu yêu để nhìn rõ các ma quỷ, thần linh.

Hoặc có những người cầm đạo cụ là dao, rìu, cuốc… Họ gọi là Khai Lộ tướng quân. Đây là những người có nhiệm vụ mở đường, bắc cầu đón các vị thần linh trở về hạ giới. Như vậy, hầu hết các điệu múa của người Dao đều bắt nguồn từ tôn giáo tín ngưỡng chứ không phải bắt nguồn từ lao động sản xuất như nhiều nhà nghiên cứu nhận định.

Muốn nghiên cứu di sản văn hóa dân gian của các dân tộc đòi hỏi phải hiểu các nghi lễ đặc trưng tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc.

Khai thác để tạo điểm nhấn

Nghệ thuật múa hiện nay đã trở thành hồn cốt xây dựng lên chương trình văn nghệ phục vụ du lịch theo nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, nghệ thuật múa trong chương trình nghệ thuật tổng hợp thường được gọi là lễ hội du lịch; hay cấu trúc theo kiểu sân khấu hóa mang tính sử thi, chủ yếu là chất liệu sân khấu đan xen với nghệ thuật múa, âm nhạc và nghệ thuật ánh sáng.

Để nghệ thuật múa đóng góp vào sự phát triển của du lịch cần thực hiện theo các nguyên tắc sau.

Thứ nhất, cần coi di sản múa là hồn cốt, là gốc rễ để khai thác, phát huy nghệ thuật múa. Do đó, cần nghiên cứu kỹ các đặc trưng nghệ thuật múa của các dân tộc. Từ đặc trưng đó mới chắt lọc, nâng cao, sáng tạo thành những tiết mục múa hấp dẫn, nhưng vẫn mang hồn cốt của di sản. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi các biên đạo phải có sự hiểu biết tương đối toàn diện về văn hóa các tộc người, nhất là hiểu biết các nghi lễ, các phong tục tập quán – môi trường sản sinh ra nghệ thuật múa.

Trong đó, phải chú trọng chức năng, cấu trúc của thành tố nghệ thuật múa trong tổng thể di sản. Ví dụ: trong lễ Pút Tồng của người Dao, chức năng của các động tác múa mang tính chất “làm sạch” môi trường đón thần linh về dự, cũng như chức năng múa phản ánh các đường đi, các phương tiện đi của các vị thần linh xuống trần gian (có vị thần cưỡi hổ thì có điệu múa hổ, có vị thần cưỡi chim công thì có điệu múa của chim công…).

Thứ hai, phải coi trọng tính đa dạng, tính đặc trưng của di sản múa ở mỗi tộc người, mỗi vùng khác nhau. Tính đặc thù đề cao sự sáng tạo, có sức hấp dẫn với du khách, góp phần xóa bỏ hiện trạng “na ná” giống nhau của các chương trình nghệ thuật. Chương trình nghệ thuật múa phải là sản phẩm du lịch đặc thù, cần được xây dựng theo hướng sản phẩm du lịch đặc thù.

Thứ ba, coi trọng tính đa dạng, tính địa phương của di sản múa ở mỗi tộc người, mỗi vùng khác nhau. Ở tỉnh Hòa Bình có các khu, điểm du lịch của người Mường, người Thái, nhưng mỗi điểm du lịch đó đều dựa vào chất liệu nghệ thuật múa để xây dựng các chương trình nghệ thuật. Trong khu du lịch Mai Châu (Hòa Bình), chương trình nghệ thuật của Bản Lác, Bản Văn dựa vào chất liệu của nghệ thuật múa Thái Mai Châu.

Chất liệu múa ở đây khác hẳn với múa Thái ở Sơn La nhưng cũng không giống với di sản múa của các điểm du lịch người Mường. Di sản nghệ thuật múa của các tộc người đều phụ thuộc vào đặc trưng văn hóa tộc người cũng như cảnh quan môi trường sinh thái. Chính đặc điểm này đã tạo nên tính đa dạng của di sản múa. Nhờ tôn trọng tính đa dạng, các nghệ sĩ mới có chất liệu phong phú để sáng tạo nghệ thuật múa.

Thứ tư, cần xác định du khách là trung tâm phục vụ của nghệ thuật múa. Nhưng di sản múa thuộc một loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, do đó nó vừa tuân theo quy luật thị trường nhưng đồng thời cũng chống lại xu hướng chiều theo nhu cầu của du khách mà phá vỡ di sản hoặc đánh mất tính nhân văn, chỉ còn những trò diễn câu khách.

Du khách đến Việt Nam họ muốn khám phá vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của Việt Nam chứ không thưởng thức những tiết mục “na ná” như quê hương họ. Do đó cần phải đặc biệt dựa vào nhu cầu khác nhau của du khách để sáng tạo các tiết mục, chương trình phù hợp.

Thứ năm, cần nghiên cứu sâu về bối cảnh, môi trường và các thành tố liên quan đến di sản múa. Khi xây dựng tiết mục múa cần chú ý xây dựng cả bối cảnh sản sinh ra nghệ thuật múa như khi xây dựng các tiết mục múa khèn của người Mông cần xây dựng bối cảnh ngày hội Gầu Tào.

Thành công của chương trình nghệ thuật múa người Dao trên điểm du lịch - đỉnh Fansipan chính là sử dụng cả bối cảnh lễ cưới người Dao Đỏ. Như vậy, các nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán không chỉ là chất liệu để khai thác di sản múa mà còn là bối cảnh cho nghệ thuật múa thăng hoa.

Khi đã tập hợp được các nguyên tắc để đưa nghệ thuật múa vào phát triển du lịch, có thể áp dụng một số mô hình tổ chức các sản phẩm dịch vụ múa.

Chẳng hạn như mô hình xây dựng tổ hợp nghệ thuật múa kết hợp với cảnh quan văn hóa, lịch sử, tự nhiên với nhiều tài nguyên du lịch nhằm xây dựng chương trình nghệ thuật. Đây là mô hình xây dựng tổ hợp múa tổng hợp. Tổ hợp múa này bao gồm một số tiết mục khác nhau nhưng đều chung một chủ đề.

Ở đây, nghệ thuật múa là một thành tố gắn kết với các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, sân khấu, nghệ thuật điện ảnh, nghi lễ. Kiểu mô hình này có thể xây dựng ở các làng du lịch, ở các điểm du lịch nhưng cũng có thể xây dựng ở các khu du lịch có quy mô lớn, đông du khách.

Thêm vào đó, còn có mô hình xây dựng một số chương trình múa mang tính chất minh họa hoặc đan xen với các tiết mục ca nhạc, trò diễn mang bản sắc văn hóa tộc người ở các làng du lịch. Mô hình này cần có kết cấu ngắn theo một chủ đề nhất định, thời gian biểu diễn chỉ khoảng 30 phút.

Du khách tham gia chương trình sẽ tăng tính trải nghiệm của người xem. Ở nhiều nơi đã đưa các tiết mục múa mang tính tập thể như múa sạp, xòe vòng… vào chương trình kết thúc có sự tham gia của khán giả.

Ngoài ra, mô hình xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc theo một chủ đề gắn liền với đặc trưng của từng khu du lịch cũng là một mô hình hay. Ví dụ như du lịch ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, du lịch trà ở Thái Nguyên, du lịch khám phá rừng của người Dao, người Hà Nhì… sẽ xây dựng một chương trình nghệ thuật có chủ đề xuyên suốt, phát huy được nhiều di sản múa của các dân tộc trong vùng.

Việt Nam đã xác định du lịch là một thế mạnh, nhiều địa phương coi du lịch là một ngành mũi nhọn. Do đó yêu cầu tất yếu đặt ra đối với nghệ thuật múa là cần gắn chặt với du lịch, xác định khán giả là khách du lịch, nguồn thu cũng là du lịch.

Nhưng muốn phát huy di sản nghệ thuật múa phục vụ du lịch, xây dựng thành các sản phẩm du lịch đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu thị trường du khách, quảng bá các sản phẩm múa. Nhưng quan trọng nhất vẫn là xây dựng sản phẩm du lịch múa.

Nghệ thuật múa trở thành sản phẩm du lịch cần tuân theo quan điểm bảo tồn di sản, phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi trong sáng tạo. Từ đó, xây dựng các mô hình sản phẩm hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản múa: Điểm nhấn trong phát triển du lịch