Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số với đa dạng nét văn hóa.
Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc địa phận Quảng Nam, có những cánh rừng nguyên sinh quanh năm mát mẻ, trong lành; có hệ thực vật, thảo dược quý mà nổi bật là cây sâm Ngọc Linh; có cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại cùng các khu di tích lịch sử, có cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc cùng với những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số... đủ điều kiện để phát triển du lịch.
Tại huyện Đông Giang có Khu du lịch (KDL) sinh thái Cổng Trời, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng và Đhrôồng là điểm đến hấp dẫn. Chị Blong Thị Tơn (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) cho biết, nghề dệt thổ cẩm không chỉ đem lại thêm thu nhập cho bà con, mà còn là cách lưu giữ lại nét tinh hoa của cha ông để, không để bị mai một theo thời gian, góp phần quảng bá hình ảnh trang phục truyền thống của đồng bào đến khách du lịch.
Anh A Lăng Ngơi (KDL sinh thái Cổng Trời) chia sẻ, khi chưa có KDL, đồng bào Cơ Tu muốn tìm việc khác ngoài làm nương rẫy thì rất khó. Thế nhưng, khi có KDL sinh thái đã tăng thêm nhiều việc làm cho người dân, như làm nhân viên cho KDL hay bán các sản phẩm của người dân địa phương làm ra. Như anh vừa tốt nghiệp đại học thì được nhận vào KDL sinh thái này để làm việc. Cuộc sống của anh giờ đã được cải thiện hơn.
“Khi được làm việc trên chính quê hương của mình, không chỉ là có công ăn việc làm ổn định mà tôi thấy rất tự hào vì đã góp một phần công sức vào việc phát triển du lịch ở quê hương của mình” - anh Ngơi nói.
Bà Phạm Thị Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc FVG Travel (đơn vị quản lý và vận hành KDL sinh thái Cổng Trời) cho biết, đơn vị đã xây dựng một mô hình làng văn hóa Cơ Tu tại KDL sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Tại đây, các du khách khi đến tham quan sẽ được để trải nghiệm, giao lưu và biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu qua các điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực… Đơn vị đã làm việc với UBND huyện Đông Giang về các sản phẩm mà đồng bào Cơ Tu cung cấp, để làm sao ngoài việc phát triển du lịch thì phải tạo điều kiện cho đồng bào ở đây có thêm các nguồn thu nhập. Hiện đơn vị đã đưa được 12 sản phẩm vào giới thiệu tại KDL sinh thái Cổng Trời Đông Giang.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa phương rất quyết tâm trong việc bảo tồn, phát huy các yếu tố làng nghề truyền thống. Trong đó, chú trọng các nghề thủ công như dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, làng nghề đan lát, chế biến rượu cần để có những định hướng phát triển đặc thù, gắn với phát triển du lịch ở địa phương, cải thiện thu nhập cho người dân.
Không chỉ huyện Đông Giang, mà để phát triển du lịch miền núi, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Nam Trà My, Tiên Phước; Tây Giang… cũng đã triển khai rất nhiều mô hình đem lại hiệu quả. Trong đó có phát triển du lịch cộng đồng tại Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh; Du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái văn hóa lịch sử về nguồn (huyện Nam Trà My); Làng du lịch sinh thái Azứt (xã BhaLêê), thôn A Rầng 1 (xã Axan), khu du lịch đỉnh Quế ở huyện Tây Giang.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Bên cạnh các bộ tiêu chí về phát triển du lịch xanh, Quảng Nam cũng đã ban hành nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi của tỉnh và kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025.
Ông Hồng cho biết thêm, để đánh thức tiềm năng du lịch ở miền núi, trước hết cần có giải pháp về đầu tư xây dựng về hạ tầng giao thông, cùng với đó là xây dựng các sản phẩm du lịch và nhân lực làm du lịch; xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với du lịch.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh triển khai Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025. Đây là động lực quan trọng để thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn di sản vùng cao, qua đó làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho địa phương nói chung, và các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nói riêng.