Hiện nay mỗi năm nhà nước đã đầu tư lượng kinh phí không nhỏ để trùng tu tôn tạo di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước. Nhưng do số lượng di tích đang xuống cấp quá lớn, kinh phí từ ngân sách không đáp ứng nổi. Cùng với đó các nguồn lực xã hội hóa đều đang tập trung vào các công trình tâm linh lớn được nhiều người biết đến, những công trình nhỏ, hoặc giá trị văn hóa tiềm ẩn lại chưa thuộc diện được ưu tiên bảo tồn.
Lo lắng trước sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống, một bộ phận trong cộng đồng đã và đang chung tay bảo tồn di sản theo những cách rất riêng.
PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia.
PGS. TS Nguyễn Văn Huy, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia vừa vui mừng cho hay, hiện Bảo tàng Nhiếp ảnh làng nghề Lai Xá (xã Kim Chung- Hoài Đức- Hà Nội) sau hơn 1 năm xây dựng nay đã hoàn thiện phần xây thô, đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thi công trưng bày.
Việc lập bảo tàng là mong muốn lớn nhất của người dân Lai Xá, nhằm gìn giữ nét văn hóa làng; đồng thời thể hiện lòng biết ơn của lớp hậu sinh với ông tổ nghề - cụ Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh), danh nhân nhiếp ảnh Việt Nam.
Hơn hết, đó là việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy những di sản về làng nghề nhiếp ảnh của những người con làng Lai Xá. Điều mà TS Nguyễn Văn Huy lấy làm tâm đắc là việc xây dựng Bảo tàng nhiếp ảnh làng Lai Xá giờ đây không chỉ là sự quan tâm trực tiếp của người dân Lai Xá, mà nó đã vượt ra khỏi không gian của một làng quê, trở thành vấn đề quan tâm chung của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Bảo tàng làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá hoàn thành trong nay mai chính là một bảo tàng ngoài công lập, do chính cộng đồng cư dân Lai Xá khởi xướng, xây dựng, bằng tâm huyết, trí tuệ, khả năng, công sức và kinh phí theo phương thức xã hội hóa.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 năm, ở một ngôi làng có tới 2 bảo tàng ngoài công lập đi vào hoạt động (trước đó là Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên)-hẳn sẽ là một hiện tượng hiếm hoi so với hệ thống bảo tàng công lập hoạt động chưa hiệu quả hiện nay.
Hai bảo tàng ngoài công lập hoạt động song hành, lại trở thành điểm đến gắn kết với du lịch khám phá làng nghề - như mong mỏi của PGS TS Nguyễn Văn Huy và các cộng sự, sẽ là những kinh nghiệm bổ ích cho việc phát triển các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam.
Rồi ròng rã vòng hơn 2 năm qua, cộng đồng đã biết đến một hình thức “cứu” di sản bằng Facebook của nhóm Đình làng Việt. Trước đó từ tháng 9/2014, họa sĩ Nguyễn Đức Bình-Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (Bộ VHTT&DL) người sáng lập ra nhóm, còn được gọi là “trưởng thôn” Đình làng Việt mở nhóm Đình làng Việt trên Facebook.
Con số khởi đầu chừng vài trăm thành viên, đến nay đã vào khoảng 6000 thành viên. Ban đầu, mong muốn duy nhất, đồng thời cũng là lời kêu gọi của người sáng lập nhóm là có chỗ để anh em (gồm các chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật, những người yêu di sản và những nhà báo quan tâm tới di sản)… cũng tham gia trao đổi.
Và những hoạt động đầu tiên của nhóm là kêu “cứu” cho những ngôi đình làng. Nhiều thành viên từ chỗ chưa hiểu chèo, ca trù, quan họ... giờ đã yêu thích các bộ môn nghệ thuật đó một lẽ rất tự nhiên... bởi tình yêu, sự đam mê nghệ thuật truyền thống đã được lan truyền từ người này sang người khác.
Nhiều thành viên từ chỗ không biết nhau, cách biệt về địa lý và cả chuyên môn, giờ nhiều người đã thành người thân thiết trong ngôi nhà chung Đình làng Việt.
Có một thực tế đã được minh chứng, nhờ mạng xã hội, những người yêu di sản ở khắp mọi miền đều có thể đăng tải thông tin về di tích mà họ biết.
Đó có thể là những cuộc trùng tu như phá, những di tích chờ sập, những cuộc “đào tẩu” khó hiểu cấu kiện của các di tích cổ, nguyện vọng của người dân nơi có di tích… đều được cập nhật liên tiếp.
Để rồi sau khi thông tin được đăng tải trên nhóm, tổ công tác đặc biệt cũng lập tức được thành lập để đến nắm hiện trạng di tích. Trên thực tế việc trùng tu di tích đã có phần cẩn trọng hơn rất nhiều từ khi có nhóm Đình làng Việt. Giờ đây Đình làng Việt đang có thêm nhiều thành viên là người Việt sinh sống ở nước ngoài muốn tham gia để hiểu quê hương mình.
Lâu nay sân khấu truyền thống đứng trước nguy cơ mai một và thiếu đất diễn, nhưng ở nhiều làng quê vẫn có những nghệ nhân ngày ngày tình nguyện mở lớp, mở câu lạc bộ truyền dạy ca trù, quan họ, xẩm... miễn phí cho những người muốn học.
Và việc bảo tồn di sản thực sự mang lại hiệu quả cũng một phần nhờ vào những học sinh sinh viên đều cùng chung chí hướng, sự quan tâm tới những giá trị văn hóa truyền thống.
Những dự án như Chèo 48h- mang sân khấu dân gian từ sân đình về trường học trong suốt hơn 2 năm qua đã góp phần hun đúc niềm tự hào di sản trong giới trẻ.
Thường niên, trước thềm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), nhiều hoạt động tôn vinh di sản văn hóa Việt được tổ chức ở mọi miền đất nước.
Đơn cử tại Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 12 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2016), nhiều chương trình, hoạt động văn hóa với chủ đề Nét xưa đã sớm diễn ra tại Phố cổ Hà Nội nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; làm đa dạng, phong phú hơn các hoạt động văn hóa tại các tuyến phố đi bộ mở rộng...
Nhưng bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa là một công việc lâu dài, chính xác hơn là một chiến lược dài hơi. Mà ở đó ngoài việc luật hóa công tác bảo tồn di sản, còn là sự hun đúc tình yêu di sản trong mỗi người; là sự tình nguyện và chung tay của nhiều người thì công cuộc ấy mới thực sự hiệu quả.
Di sản hiểu một cách nôm na chính là những giá trị được truyền lại từ đời trước cho đời sau. Không nhất thiết cứ phải nói đến đình chùa, miếu mạo; Quan họ hay Ca trù...mà đơn thuần là bắt đầu từ việc gìn giữ tiếng nói và chữ viết, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt trong quá trình tiếp nhận văn hóa ngoại lai hôm nay. Góp phần lớn vào sự thành công trong quá trình bảo tồn và tôn vinh di sản- chính là cộng đồng.