Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Chùa Vích tọa lạc tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và là niềm tự hào của người dân địa phương. Ngôi chùa này đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng do vướng nhiều thủ tục pháp lý nên việc trùng tu, tôn tạo vẫn chưa được thực hiện.
Nằm bên bờ kênh De, phía Đông giáp với biển, Di tích Quốc gia Chùa Vích còn được biết đến với tên gọi Bích Tiên tự. Theo sử liệu, văn bia lưu giữ tại chùa và dấu tích kiến trúc của di tích cho thấy, chùa Vích được khởi dựng vào khoảng thế kỷ 17. Chùa có cấu trúc chung gồm nhà bái đường, trung đường và chính điện, kiến trúc theo hình chữ công. Xung quanh có thêm hành lang, tam quan, nhà tổ và nhà thờ mẫu.
Kiến trúc chùa Vích có nguồn gốc từ kiến trúc dân gian với kết cấu khung gỗ, mang đặc điểm của kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 17-18. Không chỉ nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo, chùa Vích còn lưu giữ 27 pho tượng cổ gồm 11 pho tượng gỗ và 16 thổ tượng, cùng những tạo tác mang nét dân gian, sống động được giữ gìn qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn gần như nguyên vẹn. Bên cạnh đó là chiếc chuông đồng nặng 1 tấn - được xem là một trong những bảo vật của chùa.
Trong thời kỳ tiền cách mạng, Chùa Vích còn là một di tích cách mạng, nơi liên lạc của nhiều chí sĩ yêu nước và tổ chức nhiều cuộc họp bí mật của Đảng. Từ năm 1936-1938, chiến sĩ cách mạng Đinh Chương Dương cùng nhiều cán bộ của Đảng cũng về hoạt động cách mạng tại ngôi chùa này.... Đây cũng là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao như: Nguyễn Duy Sâm đỗ Đại khoa từ thế kỷ 15, có tên ở bia Quốc Tử Giám; Lê Doãn Giai, đỗ quan nghè, làm đến chức Đông tác đại học sĩ. Với những giá trị đó, năm 2008 chùa Vích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Sau gần 800 trăm năm tồn tại, đến nay chùa Vích đang có nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, Sư cô Thích Nữ Đề Thông - Trụ trì chùa Vích cho biết: Tình trạng xuống cấp, hư hỏng của di tích đã xảy ra từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Tại khu Tòa Tam Bảo, hệ thống cột gỗ, đòn tay, kẻ bẩy bị mối mọt; nhiều vị trí bờ, kè trên phần mái bị nứt, tách rời gây sụt lún mái ngói, hở, dột. Còn tại khu nhà thờ mẫu, tường xây bị nứt, bong tróc thành từng mảng, rêu mốc, thậm chí bên trong có chỗ cây cột còn bị rơi ra ngoài. “Những ngày mưa, nước nhỏ từ mái chùa xuống sàn khiến cả khu nhà Tam Bảo ướt sũng. Nhất là những nơi bị dột lại đúng vị trí các pho tượng cổ bằng gốm nên có nguy cơ bị hư hỏng. Nhà chùa cũng như nhân dân mong các cơ quan chức năng quan tâm, sớm triển khai trùng tu, tôn tạo lại di tích chùa Vích để tăng ni, phật tử, khách thập phương an tâm khi tới lễ chùa” - Trụ trì chùa Vích lo lắng cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều vị trí bờ, kè trên phần mái chùa bị nứt, tách rời, có chỗ đã tách rộng khoảng 15cm. Nếu để tình trạng này kéo dài có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng xuống cấp của di tích gần 800 năm tuổi này, ông Bùi Văn Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: Trước sự xuống cấp một số hạng mục của di tích chùa Vích, ngày 28/5/2020, UBND xã đã làm tờ trình đề nghị xin chủ trương đầu tư dự án tu sửa cấp thiết mái nhà Tam Bảo của chùa. Đến ngày 4/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn thống nhất chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Vích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên UBND xã Hải Lộc chưa triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2022, UBND xã tiến hành triển khai thực hiện dự án thì lại vướng mắc về thủ tục pháp lý, Luật Di sản nên xã phải làm lại quy trình từ đầu. Nếu chờ hoàn tất các thủ tục thì sẽ rất lâu nữa chùa mới được trùng tu, trong khi đó mùa mưa bão đang đến gần, chúng tôi rất lo lắng.
“Mới đây, ngày 28/3/2023, UBND xã Hải Lộc tiếp tục có tờ trình lên UBND huyện Hậu Lộc đề nghị xin chủ trương đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích chùa Vích nhưng vẫn chưa có hồi âm” - ông Giang cho biết thêm.