Hà Tĩnh đã nghiên cứu, nhận thấy mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” thực sự đưa lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư, nên đã phát triển thành mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”.
Trước thềm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, PV Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông Trần Nhật Tân, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh về “mô hình vì dân” - “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh, cộng đồng dân cư đoàn kết là đích đến của các hoạt động của “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. Đây là mô hình mới chưa từng có ở Hà Tĩnh, ông Trần Nhật Tân bày tỏ nhiều trăn trở về việc làm sao để duy trì lâu dài và phát huy tốt hơn “mô hình vì dân”.
PV: Trước đây, ở một số địa phương, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” chỉ mới hình thành sơ khai, không được tổ chức quy củ, bài bản. Ở Hà Tĩnh, “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cải biến, sáng tạo để gần gũi, thiết thân với đời sống, phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những điều khác biệt của mô hình này ở Hà Tĩnh?
- Ông Trần Nhật Tân: Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, mặc dù đã được triển khai từ năm 2018 ở một số địa phương, theo hình thức thí điểm. Hầu hết các mô hình quản lý chưa có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Hoạt động của “Ngôi nhà trí tuệ” lúc đó cơ bản chỉ là tạo không gian đọc sách, học tập cộng đồng… và được xây dựng tại nhà riêng của một số người dân có tâm huyết với cộng đồng xung quanh.
Chúng tôi đã nghiên cứu, nhận thấy hoạt động này thực sự đưa lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư nên đã phát triển thành mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”.
Điểm khác của mô hình tại Hà Tĩnh, nằm ở một số nội dung:
Trước hết, đó là có sự quản lý xuyên suốt từ tỉnh đến tận thôn xóm. Cụ thể, cấp tỉnh, huyện, xã có Ban điều hành do MTTQ chủ trì, cấp thôn thành lập Ban Chủ nhiệm, hầu hết do Trưởng ban công tác Mặt trận thôn làm trưởng ban. Trên cơ sở khung hướng dẫn chung của tỉnh, huyện, “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” tại các khu dân cư sẽ lựa chọn các hoạt động phù hợp nhất theo nhu cầu của người dân.
Thứ hai, quá trình hình thành “Ngôi nhà trí tuệ”, ngoài sự hỗ trợ một phần ngân sách, trang thiết bị… của chính quyền, đoàn thể các cấp, đã kêu gọi được sự hỗ trợ rất lớn của người dân, của doanh nghiệp, con em xa quê…
Thứ ba, “Ngôi nhà trí tuệ” được hình thành ngay tại các Nhà văn hóa cộng đồng; phát huy hết công năng của các thiết chế văn hóa theo tiêu chí Nông thôn mới, để từ đó tạo thành “sân chơi” đa dạng ngay tại cộng đồng dân cư, với hạt nhân là Nhà văn hóa thôn/tổ dân phố.
Thứ tư, đa dạng các hình thức hoạt động của cộng đồng dân cư, bằng việc hình thành các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng, nhận được sự đồng tình và tham gia tích cực của đại đa số người dân… Các CLB này được hình thành dựa trên nhu cầu “thiết thân” của cộng đồng và phù hợp với đặc điểm văn hóa của vùng, miền.
Đặc biệt, mỗi “Ngôi nhà trí tuệ” đều trang bị một thư viện lớn miễn phí với hàng ngàn cuốn sách (có sự kiểm duyệt, lựa chọn phù hợp với độ tuổi); tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, y tế và nông nghiệp với người dân các địa phương.
Đây cũng là nơi hội họp trao đổi, tranh luận, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người dân địa phương với nhau.
Ngoài những giá trị như ông chia sẻ thì “Ngôi nhà trí tuệ” còn “thổi hồn” vào Nhà văn hóa cộng đồng những giá trị văn hóa đặc sắc. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
- Từ những hoạt động của “Ngôi nhà trí tuệ” tại Hà Tĩnh cho thấy, mô hình không chỉ dừng lại là nơi học tập suốt đời cho mọi tầng lớp Nhân dân mà còn là nơi lưu giữ, duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa từ ngàn đời của mỗi địa phương.
Việc thành lập đan xen các câu lạc bộ: “CLB Dân ca ví dặm”; “CLB Dân vũ”; “CLB Cầu lông”; “CLB Bóng chuyền”; “CLB Thơ ca”; “CLB Tiếng Anh”... chính là bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân gian mà vẫn giữ tinh thần hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, mô hình này sẽ góp phần tích cực thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…”;
“…Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền của đất nước. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng”.
Là một trong những người “xây những viên gạch” đầu tiên cho “Ngôi nhà trí tuệ” trở thành nét riêng có ở Hà Tĩnh, hẳn ông vẫn còn nhiều trăn trở về mô hình mới này?
- Đây là mô hình hoạt động mới, chưa có tiền lệ nên bước đầu gặp một số khó khăn trong cách thức triển khai và đặc biệt là duy trì hoạt động lâu dài.
Vậy nên, đây thực sự là một thách thức lớn đối với bản thân tôi cũng như các cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp, làm sao để mô hình này thực sự là ngôi nhà chung của đồng bào, đi vào nếp sống, nếp sinh hoạt hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân.
Xu thế chung của người dân hiện nay, đặc biệt là các cháu trong độ tuổi học sinh là sử dụng nhiều các phương tiện công nghệ mới như smartphone, TV… hoặc thích sử dụng các trang mạng xã hội để tương tác, kết nối, nên có nhiều hoạt động thiết thực để các cháu thực sự xem “Ngôi nhà trí tuệ” là nơi muốn đến hàng ngày là một thách thức.
Bên cạnh đó, dù các hoạt động như giao lưu thể thao đang được duy trì tốt, nhưng hoạt động liên quan đến văn hóa, giáo dục, học tập cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm trong sinh hoạt, trong sản xuất thực sự còn nhiều khó khăn.
Làm thế nào thế nào để duy trì và phát huy tốt hơn Ngôi nhà trí tuệ - “mô hình vì dân” (khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh), trách nhiệm phần lớn thuộc về cán bộ Mặt trận. Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, ông sẽ hướng dẫn, định hướng cho cơ sở làm gì trong giai đoạn tiếp theo?
- Tạo dựng và duy trì đoàn kết ở cộng đồng dân cư là đích đến của các hoạt động “Ngôi nhà trí tuệ”. Muốn duy trì được, trước hết rất cần “tâm huyết, trách nhiệm” của những thành viên Ban chủ nhiệm ở thôn, tổ dân phố với hạt nhân là cán bộ Mặt trận. Đây thực sự là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Tiếp đến là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ngay tại cơ sở, cần thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn, động viên cho các hoạt động của mô hình này.
Ban điều hành các cấp sẽ tiếp tục có nghiên cứu, tổng kết bước đầu để lựa chọn những hoạt động hiệu quả, thiết thực nhất với người dân, để từ đó có hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở trong thực hiện.
Ngoài ra, bên cạnh kêu gọi bổ sung cơ sở vật chất để nâng cao các thiết chế văn hóa tại Nhà văn hóa cộng đồng, Ban điều hành tỉnh đến huyện sẽ tiếp tục quan tâm kêu gọi đội ngũ tình nguyện viên trong và ngoài nước về tham gia với các khu dân cư để giao lưu, hỗ trợ người dân để các CLB có nhiều hoạt động thiết thực hơn.
Tuyến 5 bài “Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong Ngôi nhà trí tuệ” của Báo Đại Đoàn Kết đã đạt giải B, Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Sau khi tuyến bài đăng tải có hiệu ứng ở địa phương không thưa ông?
- Bài báo đã góp phần cổ vũ, động viên những người làm công tác Mặt trận trong hành trình xây dựng và giữ lửa cho mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, cũng như góp phần tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.
Thông điệp mà tác phẩm truyền tải đã giúp người dân phần nào hiểu sâu hơn về giá trị cốt lõi của mô hình vẫn còn nhiều mới mẻ đối với họ.
Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất của mình để khi Ngôi nhà trí tuệ “vượt ra khỏi không gian Hà Tĩnh” sẽ phát huy được công năng tốt hơn và các địa phương sẽ không còn bở ngỡ?
- Để mô hình thành công cần có sự quan tâm xuyên suốt, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh chủ trương chung, cần có hỗ trợ ngân sách bước đầu để giúp các khu dân cư xây dựng cơ bản các thiết chế văn hóa, trang thiết bị cho các hoạt động chính của “Ngôi nhà trí tuệ”.
Bản chất, đây chính là phản ánh chân thực nhất việc lồng ghép tiêu chí nông thôn mới trong việc xây dựng và hình thành “Ngôi nhà trí tuệ”, và duy trì thực chất các hoạt động.
Ngoài ra, cần chú trọng việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, để từ đó, chính bản thân người dân sẽ tham gia các hoạt động tại “Ngôi nhà trí tuệ” thực sự tự giác, tự nguyện, coi như món ăn hàng ngày…
Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Hà Vy - Hạnh Nguyên
Ảnh, thiết kế: Cẩm Kỳ