Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Vì vậy, việc Trung ương bàn cho ý kiến về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất “đúng” và “trúng” ở thời điểm hiện nay.
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa bà, một nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII cho ý kiến là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Là người luôn quan tâm tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bà có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Bùi Thị An: Việc Trung ương cho ý kiến cũng là để từ đó đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như kiến nghị Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới. Bởi sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện.
Theo đánh giá của tôi, thứ nhất, sự phát triển của nông nghiệp chưa bền vững, giá trị của chuỗi giá trị chưa cao nên đời sống của người nông dân còn khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu, điều kiện xuất khẩu.
Thứ hai, dù đóng góp của nông nghiệp đối với GDP không phải là lớn, nhưng trong những lúc khủng hoảng, khó khăn thì nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Mà quan trọng đằng sau đó là gần 70% dân số Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nông thôn, gắn với nông nghiệp. Cho nên việc Trung ương bàn cho ý kiến về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất “đúng” và “trúng” ở thời điểm hiện nay.
Trong những năm tới, nông nghiệp chỉ giữ được vị trí như hiện nay nếu có định hướng lớn của Trung ương, chỉ đạo từng ngành, địa phương trong vấn đề tam nông. Và phải có sự giám sát, chỉ đạo thường xuyên, phân cấp rõ ràng. Như thế mới thắng lợi, nếu để cho người nông dân làm tùy tiện, manh mún thì sẽ lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.
Người nông dân vốn được coi là chủ thể của quá trình đổi mới, nhưng tại sao nông nghiệp cất cánh, bộ mặt nông thôn thay đổi song đời sống của người nông dân chưa được nâng lên, thưa bà?
- Chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất đúng, nhưng quá trình tổ chức thực hiện chưa chuẩn. Ví như đưa công nghệ cao vào trong sản xuất nhưng công nghệ cao lại cần nhiều vốn. Do đó, chúng ta phải giúp, hỗ trợ người nông dân trong việc vay vốn. Chưa kể vấn đề xúc tiến thị trường.
Tôi nói ví dụ người nông dân sản xuất ra các sản phẩm sạch, an toàn tại vùng cao khó xúc tiến thương mại tới các nơi. Mà như thế sẽ khó tiêu thụ được sản phẩm. Hoặc sản xuất được một vài vụ là hết vốn thì phải hỗ trợ vốn, rồi tạo dựng mọi cơ chế để người nông dân liên kết lại để sản xuất bền vững, sản xuất an toàn.
Và đây là trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề quản lý, thiết kế chính sách. Người nông dân giàu trên chính mảnh đất của mình thì họ sẽ không ly nông, ly hương nữa. Nếu nay được mùa, mai mất giá thì sẽ thiếu bền vững. Khi nào được tạo điều kiện trong sản xuất, giá trị sản phẩm được nâng lên thì người nông dân mới giàu trên chính mảnh đất của mình.
Dù đóng góp của nông nghiệp trong tỷ trọng nền kinh tế không cao nhưng đây là vấn đề an sinh vô cùng quan trọng và chúng ta cần kiên quyết giữ, thưa bà?
- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề vô cùng quan trọng, gần 70% người dân đang sống, làm việc ở nông thôn. Do đó phải quan tâm tới lực lượng này. Trong đó, cần quan tâm tổng thể tới chất lượng cuộc sống của người nông dân tại nông thôn từ tinh thần cho đến vật chất, văn hóa.
Nhưng thực tế việc tổ chức sản xuất nhỏ lẻ đang cho thấy thiếu sự phát triển bền vững?
- Theo tôi, Nhà nước phải tạo ra cơ chế, thu hút họ vào chuỗi liên kết dưới dạng hợp tác xã sản xuất lớn, chuỗi liên kết lớn mới đem lại giá trị. Chỉ có liên kết mới dễ dàng trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào trong quá trình sản xuất, chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh, chỉ có liên kết mới thắng lợi.
Thế nhưng liên kết không chỉ trong nông nghiệp mà cần liên kết đa ngành từ sản xuất, khoa học, truyền thông, tiêu thụ, dịch vụ, du lịch. Tạo nên những sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng thì chuỗi giá trị mới được nâng lên.
Dù ứng dụng tốt nhưng nếu “đầu ra” không đảm bảo thì sẽ không thành công và chịu thiệt vẫn là người nông dân, thưa bà?
- Đúng như vậy, cho nên Nhà nước phải tạo điều kiện để xúc tiến thương mại. Vừa qua, hàng dài xe container nông sản “tắc” ở biên giới, hoa quả không kịp xuất bị hỏng, bị ép giá khiến nông dân khóc ròng. Đó chính là trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Cho nên cần sản xuất ra sản phẩm an toàn để bán với giá tương xứng. Đặc biệt không chỉ hướng tới xuất khẩu mà cần chú ý đến thị trường nội địa. Trong nước cũng cần những sản phẩm sạch, an toàn.
Để nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới, theo bà chúng ta cần quan tâm đến những định hướng lớn nào?
- Đầu tiên là đưa ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất, sản xuất ra những sản phẩm sạch, chống chọi và thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao chuỗi giá trị.
Thứ hai làm thế nào để sản phẩm sản xuất ra tiếp cận được với thị trường xuất khẩu một cách bền vững, để cho mọi sản phẩm của người nông dân làm ra được ổn định, bền vững, không có hiện tượng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Đây là trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Theo đó, tạo điều kiện cho nông dân trong vấn đề đất đai đủ lớn để sản xuất lớn, an toàn, đạt tiêu chuẩn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu ra các thị trường chính ngạch, tránh việc vừa qua xuất khẩu tiểu ngạch và bị tắc tại cửa khẩu. Rồi Nhà nước tạo cơ chế chính sách để nông nghiệp có điều kiện phát triển, như hỗ trợ về vốn, thuế.
Đặc biệt, Nhà nước cần làm quy hoạch cụ thể đối với từng sản phẩm cụ thể, từng vùng và liên vùng, vùng nào hợp với trồng cây gì, nuôi con gì? Sau quy hoạch thì giám sát việc tổ chức thực hiện ở các vùng quy hoạch và địa phương. Khi Trung ương bàn, quyết định và ra nghị quyết thì cần lưu tâm tới vấn đề tổ chức thực hiện.
Trân trọng cảm ơn bà!