Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: ‘Mong muốn văn hóa nghệ thuật Việt Nam chắp cánh bay xa’

Việt Quỳnh (thực hiện) 09/01/2023 15:18

Với dịch giả Nguyễn Lệ Chi, cuộc sống luôn là những điều thử thách liên tiếp. Chị luôn nỗ lực hàng ngày trong cả công việc, học tập và cuộc sống: “Cuộc sống luôn thay đổi từng giây, có quá nhiều thứ chúng ta chưa biết, đều cần học hỏi, thử sức và rèn luyện. Vì vậy tôi cũng sẽ như bao người khác, nỗ lực hết mình để học hỏi thêm”.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

Sau 2 năm đại dịch, ngành xuất bản nói chung và Chibooks nói riêng đã rất lao đao: “Sức mua giảm sút rất nhiều. Lạm phát tăng, kinh tế khó khăn, nhiều người dân chỉ dồn tiền vào lo tiền ăn uống chi tiêu sinh hoạt thường ngày, học phí của con cái… đã đủ mệt mỏi, khó có tiền dư để mua sách.

Phần lớn phụ huynh sẽ nhường quỹ tiền dư mua sách lẽ ra mua cho bản thân, thì chuyển sang tập trung mua cho con cái nhiều hơn. Người lớn sẽ chuyển sang xu hướng đọc sách điện tử, hoặc nghe sách nói nhiều hơn.

Điều này cũng là một thách thức rất lớn đối với ngành sách. Vì vậy số lượng sách tồn kho của các nhà làm sách chắc chắn sẽ nhiều, buộc phải xả hàng, giảm giá cắt lỗ. Hoặc buộc phải hạn chế lượng đầu sách xuất bản dự kiến hàng năm”.

Trước tình hình đó, dịch giả Nguyễn Lệ Chi chỉ biết nỗ lực duy trì để vượt qua khó khăn. Nhờ vậy, năm 2022, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã được nhận danh hiệu Người làm xuất bản tiêu biểu trong năm. Cùng công ty của mình, chị đã nhận giải Sách quốc gia 2022, được đề cử giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2022...

Trong lĩnh vực giáo dục, dịch giả Nguyễn Lệ Chi với vai trò giáo viên đang cố gắng truyền tải những nét hay, nét đẹp nhất của văn học Việt Nam cho các sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Ý tưởng ấp ủ của dịch giả Nguyễn Lệ Chi về việc phát triển mảng tư vấn du học và đào tạo ngoại ngữ ngày càng lớn dần. Chị hiện đang trong quá trình phát triển ý tưởng và nỗ lực biến nó thành hiện thực trong năm mới 2023:

“Nhìn lại một năm vừa qua, điều tôi thấy hài lòng nhất là tác giả của chúng tôi đã được ghi nhận, dòng sách chúng tôi làm đã được ghi nhận. Đó không phải là điều dễ dàng. Để có được điều đó, chúng tôi đã đi qua 14 năm trời, thử sức và nỗ lực không ngừng để gây dựng nên thói quen đọc sách cho độc giả Việt với dòng sách phiêu lưu giả tưởng ở Việt Nam.

Từ đó cũng gây dựng nên thói quen “ươm mầm” yêu thích cho các tác giả Việt trẻ, thử sức và say mê sáng tác. Và rồi, tác giả trẻ nhất Việt Nam đã được ghi nhận thành công với một thể loại văn học mới ở nước ta - dòng văn học phiêu lưu giả tưởng”.

Để cân bằng được tất cả mọi trách nhiệm, dịch giả Nguyễn Lệ Chi dùng hết sức lực và thời gian vì không ai có thể sống thay chính cuộc đời mình: “Có lẽ tôi thường có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc và xử lý mọi việc cũng khá nhanh nên vẫn đảm đương được việc nhà và cân bằng được công việc với gia đình”.

Mỗi việc làm, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đều hướng tới xã hội và đóng góp cho cộng đồng. Chị sáng lập và duy trì một quỹ từ thiện riêng: “Có lẽ xuất phát từ tính tôi thích bao đồng và thích chăm sóc người khác, tôi luôn cho rằng mỗi người chỉ sống một lần, bất kể cuộc đời mình dài hay ngắn, hãy cố gắng hết sức để sống thật ý nghĩa và có ích nhất. Chính vì vậy khi tôi làm sách, tôi mong muốn lan tỏa tri thức và tình yêu khát khao tìm hiểu tri thức đến với thế hệ trẻ”.

Từ năm 2020 đến nay, Chibooks đã trao gần 40 tủ sách thư viện cho các trường học trong cả nước. “Tôi chỉ là người nỗ lực thực hiện những gì mình cho rằng có ích cho xã hội, cho cộng đồng, đem lại giá trị lâu dài”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ, và cho biết thêm: “Còn có rất nhiều điều trong quá trình thực hiện, tôi và đội ngũ của tôi cũng cần phải điều chỉnh, rút kinh nghiệm để mọi việc được trôi chảy hơn và đạt hiệu quả cao nhất”.

Dự định trong năm mới, về xuất bản, dịch giả Nguyễn Lệ Chi mong muốn sách Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, bao gồm cả sách giấy, sách điện tử và sách nói: “Tôi muốn văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam được lan tỏa rộng rãi hơn nữa vượt qua khỏi rào cản về địa lý.

Người Việt sinh sống khắp năm châu, cũng như nhiều người nước ngoài đang học tiếng Việt được tiếp cận sâu sắc, kỹ càng hơn về tâm tư tình cảm của người Việt bản địa thông qua sản phẩm văn hóa là sách.

Về giáo dục, tôi sẽ tham gia học hỏi thêm một số chuyên ngành và lấy các chứng chỉ giáo dục cần có. Đồng thời sẽ chuyên sâu hướng đầu tiên về tư vấn du học Trung Quốc và đào tạo, giảng dạy tiếng Trung. Đồng thời tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác quốc tế để văn hóa nghệ thuật Việt Nam được chắp cánh bay xa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: ‘Mong muốn văn hóa nghệ thuật Việt Nam chắp cánh bay xa’