Ngày 27/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng xác nhận, trên địa bàn vừa xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, ở Phú Thọ, dịch bệnh cũng xuất hiện tại nhiều xã, phường…Nguyên nhân chính khiến dịch lây lan nhanh là do người chăn nuôi vẫn còn chủ quan, lơ là.
Cần vệ sinh tiêu độc khử trùng thật kỹ để tránh lây lan sang các địa phương khác.
Thêm nhiều ổ dịch mới
Ông Quách Văn Tây – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, thông tin: Dịch bệnh xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là do chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chủ hộ có sử dụng thức ăn viên và có sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho lợn ăn... Đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại hộ bà Lâm Thị Thu Sang tại ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Sau khi có kết quả xét nghiệm đàn lợn dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng cũng chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn theo quy định, với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 2.350kg.
Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi cũng diễn biến khó lường ở Phú Thọ. Tại địa phương này xuất hiện ổ dịch ở nhiều xã, phường: Thành phố Việt Trì 8/23 xã; huyện hạ Hòa 2 xã và mới đây nhất là ngày 25/5, dịch bệnh đã xuất hiện thêm tại xã Bằng Luân của huyện Đoan Hùng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, tại các xã vùng phát hiện dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi vẫn thường sử dụng thức ăn thừa không đảm bảo từ các khu công nghiệp để làm thức ăn cho lợn; nhiều hộ gia đình nhập lợn giống không rõ nguồn gốc để tái đàn. Bên cạnh đó, còn do nhân viên thú y, nhân viên tiếp thị cám đi từ vùng có dịch vào địa bàn tỉnh không đảm bảo an toàn; thương lái vận chuyển lợn, thịt lợn từ vùng có dịch để buôn bán không sát trùng xe vận chuyển...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, từ ngày 19/2 đến nay, Phú Thọ đã có 48 hộ ở 38 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành thị có lợn bị ốm, chết. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tiêu hủy hơn 1.000 con lợn ở các điểm có dịch tả lợn châu Phi.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng thành lập 15 đội kiểm soát lưu động và 6 chốt kiểm soát cấp tỉnh và huyện, được bố trí trực ở các đầu mối giao thông quan trọng; thành lập 277 đội kiểm soát và 17 chốt kiểm soát cấp xã, thực hiện việc hỗ trợ khoanh vùng, dập dịch, giám sát hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn; kiểm soát hộ kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ lợn tại các chợ trên địa bàn…
Các chốt kiểm dịch, kiểm soát tạm thời cấp tỉnh và các đội kiểm soát lưu động cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã kiểm soát được 6.327 phương tiện vận chuyển với 199.823 động vật các loại và 28.986 kg sản phẩm động vật; xử lý 6 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền phạt 35,5 triệu đồng; triển khai kiểm soát kinh doanh thịt lợn, các sản phẩm từ lợn tại 184 chợ, tổ chức kiểm soát 15.881 lượt hộ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục cập nhật thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền hàng ngày để người dân nắm bắt kịp thời nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… đồng thời lưu ý các địa phương cần báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, chủ động đề xuất các biện pháp khắc phục, nếu để dịch bệnh phát sinh, đơn vị sẽ làm rõ các nguyên nhân để quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý, báo cáo cấp trên.
Không chủ quan với dịch bệnh
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra, Cơ quan Thú y cũng khuyến cáo, người chăn nuôi cần nắm rõ tình hình diễn biến bệnh dịch tại địa phương; những con đường lây nhiễm bệnh dịch; cách nhận biết một số dấu hiệu khi lợn mắc dịch bệnh và cách phòng ngừa, ngăn chặn, tránh để dịch bệnh lây lan.
Khi phát hiện đàn lợn có những dấu hiệu hoặc nghi ngờ nhiễm virus tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Tại thời điểm này, người chăn nuôi cần kiên trì các biện pháp phòng dịch, tăng cường theo dõi đàn lợn, tiếp tục áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và không tái đàn… Đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống bị uy hiếp và chưa có dịch cần tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra, giám sát, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục người, phương tiện ra vào hàng ngày và hạn chế tối đa việc ra vào của người lạ; đồng thời, hạn chế xuất chuồng đàn lợn, xử lý triệt để chất thải, nước thải trong quá trình giết mổ để tránh phát tán dịch bệnh ra môi trường.