Điểm check-in cũng cần giữ ‘danh phận’

Bảo Thư 05/07/2022 12:06

Check-in (tạm hiểu là chụp ảnh để ghi nhận rằng mình có mặt tại một địa điểm nào đó) đang là một “phong trào rộng khắp”. Nó lại càng nhân rộng với sự trợ giúp đắc lực của mạng xã hội. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều điểm check-in, kể cả những điểm “không có danh phận”.

Một bức tượng từng được dựng lên ở điểm check - in Thung lũng xanh Sa Pa.

Ghi lại hình ảnh của chính mình, của người thân là chuyện bình thường. Đưa ảnh lên mạng cũng là chuyện bình thường và cũng là niềm vui. Nhưng điều đáng nói ở đây là từ nhu cầu ấy, nhiều điểm check-in mở ra có khi làm hỏng cả vẻ đẹp của môi trường tự nhiên.

Hẳn nhiều người biết rằng, đỉnh núi Lảo Thẩn nằm trên độ cao 2.860 mét so với mực nước biển, là điểm leo núi yêu thích của nhiều khách du lịch khi đến huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ở đây có cây phong ba cổ thụ sừng sững, giống như biểu tượng của đỉnh Lảo Thẩn - ngọn núi cao nhất giữa rừng già Y Tý. Cho dù nó từng héo khô trong một trận cháy rừng, song vẫn có những nhánh đâm chồi nảy lộc, thể hiện sức sống phi thường. Cây cong mình về hướng mặt trời, ngay bên bờ vực vì thế thu hút khách du lịch và trở thành một điểm check-in nổi tiếng.

Nhưng vào một ngày cuối tháng 11 năm ngoái, bỗng nhiên cây phong ba cổ thụ chỉ còn trơ lại phần gốc với kích thước khoảng 0,7 mét. Hóa ra, vài người dân trong vùng đã cưa cây về làm củi. Một biểu tượng du lịch địa phương bị xâm hại và khi được phát hiện trong tình trạng “sự đã rồi”.

Đáng tiếc đây không phải là hiện tượng duy nhất. Trước đó, tại Vũng Tàu, cây hoa giấy vốn là một điểm check-in nổi tiếng cũng bị chặt “lửng lơ”. Ai đó đã không chặt hết cả cây mà chỉ chặt một phần thân sát gốc khiến phần tán đang nở hoa bên trên héo úa. Còn tại hồ Rào Quán (Khe Sanh, Quảng Trị), “cây cô đơn” được nhiều người ghé lại check-in cũng bị lột vỏ, đẽo gọt gần hết phần thân.

Đất nước ta tươi đẹp, có thể nói xã nào, huyện nào cũng có điểm để check-in, nhưng việc bảo vệ nó, làm cho nó đẹp hơn lên thì không phải nơi nào cũng làm được. Những điểm check-in này đẹp vì yếu tố tự nhiên, thiên nhiên, có thể chỉ là một góc cắt khúc nhưng cũng có thể là một không gian rộng rãi. Muốn gìn giữ cần phải có sự am hiểu và càng không thể khai thác theo kiểu “bóc lột” để rồi làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, đôi lúc còn dẫn đến lai căng.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cảnh quan thiên nhiên phải có sự bảo vệ, vun vén của con người. Không chỉ cư dân địa phương mà cả du khách cũng phải tôn trọng nó, hưởng thụ vẻ đẹp thì cũng cần phải giữ gìn nó. Đặc biệt là vai trò của chính quyền vừa bảo vệ biểu tượng du lịch, vừa phát triển lên thành địa điểm tham quan cho địa phương mình. Thay vì chỉ mới mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ vẻ đẹp tự nhiên, nếu gắn kết với tour, tuyến du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, những điểm check-in này sẽ tạo thêm điểm nhấn, thu hút, tăng giá trị cho du lịch.

Cổng chùa Bà Mụ là điểm check-in đẹp “siêu hot” ở Đà Nẵng.

Trở lại với chuyện check-in, tới nay nhiều điểm đông khách đã tổ chức thu tiền. Đó cũng không phải là lạ vì “hai bên cùng vui”, nhưng điều đáng nói ở đây là khi một số địa điểm trở nên nổi tiếng và có nhiều người đến tham quan thì phát sinh vấn đề

Có nơi, chủ điểm check-in “chặt chém” du khách khiến mọi người kêu trời. Có khi chỉ là một vạt hoa cải bên sông cũng được rào lại, thu tiền người vào chụp ảnh với giá không hề rẻ chút nào. Lại cũng có nơi trong hồ có vài bông sen trắng lạ mắt thì cũng làm luôn cả “bốt gác” thu tiền người muốn vào chụp ảnh...

Nhưng đáng nói hơn là từ chỗ du lịch phát triển, không ít người đã tạo ra những điểm check-in rất kỳ lạ, chỉ với mục đích duy nhất là thu hút khách tò mò để thu tiền khi vào chụp ảnh. Từ đó xuất hiện những điểm check-in dựng lên một cách tạm bợ, theo kiểu “mùa vụ”.

Trái lại, một số người lại bỏ ra số tiền không nhỏ để dựng lên những mô hình quy mô thu hút khách đến check-in. Có nơi người ta đã dựng lên cả bức tượng Nữ thần tự do mô phỏng từ bên Mỹ. Tháp nghiêng Pisa bên Ý cũng được đưa về đặt trong khu du lịch. Rồi có nơi dựng hẳn cụm tượng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, với đầy đủ nhà sư Đường Huyền Trang, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng cùng con bạch mã.

Một số điểm “quá lố” bị dư luận phê phán và cũng đã được chính quyền địa phương xử phạt, buộc phải tháo dỡ.

Nhân đây cũng cần phải nói thêm về những điểm check-in mới dựng lên hoàn toàn vì mục đích kinh doanh nhưng đã làm hỏng cảnh quan tự nhiên. Trong đó có những điểm dừng chân check-in ngay bên sườn núi. Thiên nhiên vốn hoang sơ, hùng vĩ bỗng bị một kiến trúc lạ nhảy vào, làm hỏng cả vẻ đẹp vốn có ngàn năm. Ở đây, vai trò của ngành văn hóa, của chính quyền địa phương là quyết định. Có thể do nhận thức, cũng có thể do ý định phát triển kinh tế mà họ đã không làm tròn chức phận của mình. Và, họ cũng quên rằng, có thể thu được lợi trước mắt nhưng sẽ đánh mất cái lợi lâu dài.

Gần đây, cộng đồng mạng đã lên tiếng phê phán không ít điểm check-in “không danh phận” , kể cả “có danh phận” nhưng thiếu văn hóa, xâm hại cảnh quan thiên nhiên. Có thể nói sau những “cú choáng” ban đầu, người ta đã nhận ra di hại lâu dài của việc lợi dụng để làm hỏng thiên nhiên cũng như việc xây dựng những điểm check-in thu tiền thiếu thẩm mỹ. Những điểm check-in ấy từ chỗ có danh phận dần dẫn đến tự mình đánh mất danh phận.

Từ câu chuyện văn hóa đến câu chuyện kiếm tiền, thiết tưởng ranh giới thật mong manh. Nhưng đó là sự mong manh cần phải được giữ gìn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm check-in cũng cần giữ ‘danh phận’