Tùy theo vùng miền và mỗi gia đình, mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng có nhiều khác biệt nhưng nhìn chung, vẫn là sự xuất hiện của các món ăn quen thuộc như cơm rượu nếp, bánh gio mật mía, hoa quả theo mùa, chè trôi nước...
Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng của người phương Đông, phổ biến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Mỗi quốc gia lại có những phong tục và cách cúng bái khác nhau. Ngay tại ở Việt Nam, mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ cũng có ít nhiều sự thay đổi.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ cũng mang ý nghĩa diệt trừ sâu bọ nhưng có một số cách lý giải khác. Theo đó, đầu tháng 5 là lúc kết thúc vụ chiêm, chuẩn bị bước sang vụ mùa, cũng là thời điểm sâu bọ phát triển sinh sôi, làm hại mùa màng. Tương truyền rằng có một ông lão tên là Đôi Truân từ xa đi tới, khuyên người dân lập đàn cúng bánh gio, trái cây, cơm rượu nếp... để giải được nạn. Từ đó, phong tục này trở nên phổ biến.
Tùy theo vùng miền và mỗi gia đình, mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng có nhiều khác biệt nhưng nhìn chung, vẫn là sự xuất hiện của các món ăn quen thuộc này.
Cơm rượu nếp
Cơm rượu nếp là món ăn phổ biến nhất, có trên mâm cúng của cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Có 2 loại cơm rượu nếp là cơm rượu nếp trắng và cơm rượu nếp cẩm. Món ăn có vị cay the ngọt ngọt của rượu, vị dẻo của lúa nếp mới, mang ý nghĩa diệt trừ sâu bọ và đẩy lùi dịch bệnh.
Nhiều gia đình tự làm cơm rượu nếp tại nhà nhưng nếu không có thời gian, bạn cũng có thể mua sẵn ngoài chợ rất dễ dàng vào ngày này. Lưu ý, chỉ cần mua lượng vừa ăn, bảo quản cẩn thận trong tiết trời nóng nực và không ăn nhiều khi bụng đói, tránh bị cồn ruột và say rượu.
Bánh gio mật mía (bánh tro)
Bánh tro làm bằng hạt gạo nếp mới, tro đốt từ rơm nếp khiến món bánh này càng thêm hấp dẫn. Ngoài ra, bánh tro dễ ăn, hương vị mát và có tác dụng thanh nhiệt rất hợp để thưởng thức trong thời tiết oi bức đầu hạ.
Miếng bánh tro dịu mát được ăn kèm với mật mía dẻo thơm, ngọt nhẹ. Sở dĩ có tên gọi là bánh tro vì nước dùng để ngâm gạo làm bánh và luộc,bánh được lấy phần nước trong lắng từ nước tro (gio) và của nhiều loại cây khác nhau.
Hương vị và mùi thơm đặc trưng của bánh chủ yếu do việc chế nước tro của mỗi nhà. Có nhà đốt vỏ bưởi khô lấy tro, có nhà dùng hạt dền gai, vỏ quả thầu dầu, cây vừng hay cũng có nhà dùng rơm nếp… tạo nên sự khác nhau trong hương vị của bánh.
Hoa quả theo mùa
Mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên để lễ là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình. Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây như: mận, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu… không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
Người xưa quan niệm, trong ngày này, các loài sâu bọ đều hoảng hốt, trốn chạy vì nhà ai cũng có bữa cỗ “giết sâu bọ” vào sáng sớm với hoa quả đầu mùa. Bởi thế, lễ cúng ngày này không thể thiếu những hoa quả như các loại: vải, mận, quất hồng bì, đào, chuối, dưa hấu, dứa...
Chè trôi nước, chè hạt sen, chè kê
Ở ngoài Bắc, chè trôi nước hay bánh trôi nước được ăn vào dịp Tết Hàn thực 3/3 âm lịch nhưng ở phía Nam, chè trôi nước lại là món ăn của ngày 5/5 âm lịch. Từng viên bột nếp trắng được nặn tròn, bên trong là nhân đậu xanh, rắc chút vừng, ăn với nước cốt dừa, đường thốt nốt. Vị bánh thanh mát, phù hợp trong những ngày nắng nóng.
Trong khi đó, chè kê thường được người dân miền Trung nấu vào ngày này. Hạt kê được xay tróc vỏ, đun sôi, ngâm khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng. Chè hạt sen ở Huế là món thanh đạm, mát, dễ ăn, có tác dụng điều hòa khí huyết, làm mát cơ thể trong ngày Tết Đoan Ngọ nắng nóng.