Điểm đến tin cậy và thành công

Minh Thanh 01/09/2023 08:11

Kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 kéo dài, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vẫn là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Triển lãm Vimexpo 2023.

“Đại bàng tìm đến xây tổ”

Ngày 22/3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp (DN) của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), do nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Ted Osius và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, với hơn 50 DN, tập đoàn lớn.

Phát biểu tại cuộc tiếp, Thủ tướng vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ. Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ năm 1995) và 10 năm Quan hệ Đối tác toàn diện (ngày 25/7/2013), quan hệ hai nước đã và đang phát triển ngày một tích cực, vững chắc trên nền tảng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Ted Osius chúc mừng Việt Nam về những kết quả tăng trưởng rất ấn tượng mặc dù chịu tác động mạnh từ những biến động toàn cầu. Ông cho biết, các DN Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…

Theo Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper, kim ngạch song phương năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 123 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD. Ngược lại, Hoa Kỳ nằm trong top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư.

Tiếp sau chuyến công tác của hơn 50 DN lớn đến từ Hoa Kỳ, từ ngày 22 đến ngày 24/6/2023, 205 DN Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol sang Việt Nam. Đáng chú ý, cùng tham gia đoàn có chủ tịch của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte.

Nhận định về sự kiện này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút thêm “đại bàng về xây tổ”. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng chuyến thăm của phái đoàn DN rất hùng hậu của Hàn Quốc chắc chắn là cơ hội tốt, hiếm có để DN trong nước hợp tác đầu tư, Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng và đây cũng là tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Hiện cả 5 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư mở rộng. Theo kế hoạch, Samsung sẽ đầu tư thêm vào Việt Nam 3,3 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án ở Thái Nguyên và TPHCM. Dự kiến, cuối năm nay, Samsung sẽ đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn ở Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn LG tiết lộ sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, Tập đoàn Lotte đang trong giai đoạn hoàn thiện Lotte MALL Hà Nội và xây dựng Khu phức hợp thông minh - Lotte Eco Smart Thủ Thiêm. Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin cho biết, Lotte Eco Smart Thủ Thiêm sẽ đánh dấu “điểm khởi đầu” cho các hoạt động mở rộng đầu tư sắp tới của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam

TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã ký kết 17 FTA. Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, có rất nhiều quốc gia nổi lên, ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, là địa chỉ tin cậy của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Bình, Việt Nam dù có thế mạnh về nguồn nhân lực rất đông đảo nhưng trình độ còn hạn chế (mới khoảng 25% lao động được đào tạo). “Chúng ta cần phải làm tốt hơn để tạo ra sự khác biệt, nhất là nguồn nhân lực, kỹ năng nghề. Cùng với đó, phải tăng cường số lượng kỹ sư có trình độ trong những lĩnh vực sáng tạo đổi mới” - ông Bình nhận định.

“Chúng ta cũng cần tiếp tục cải cách về thể chế, thủ tục hành chính để cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực trong việc mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, từ đó mới thu hút được DN FDI” - ông Bình nói.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6; tăng 41,9% so với tháng 5 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.

Tính chung 7 tháng đầu năm, có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% về số dự án và tăng 38,6% về số vốn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, tăng 27,1% về số dự án. Ngoài ra, có 1.627 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 4,14 tỷ USD, tăng 60,7% về số vốn so với cùng kỳ.

“Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam” - đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo nhóm chuyên gia của Tổng cục Thống kê, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, đưa dòng vốn FDI quay trở về nước. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực cũng dần “tăng nhiệt” với nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn FDI. Theo đó, cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả, cụ thể, bao gồm:

Tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.

Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN trong nước…

Bên cạnh đó, các DN trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực: năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý… Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh…

Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Tính lũy kế đến ngày 20/1/2022, sau 35 năm đón dòng vốn FDI, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thu hút 34.642 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 415,6 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm đến tin cậy và thành công