Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Đã có 32 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có 20 đại biểu tham gia đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận. 92 đại biểu đăng ký chất vấn và 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian nên chưa chất vấn.
Chậm thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17/4/2020 về việc thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, theo ông Cường, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, gần 4 năm qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa UBND TP Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) thì Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy? trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?” - ông Cường chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ và cho rằng “đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả”.
Theo Bộ trưởng KHCN, cơ quan chức năng đã xây dựng, hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7, bộ sẽ ban hành quy định thành lập các trung tâm này nhằm khai thác nguồn lực ở địa phương dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó hướng tới các mô hình thử nghiệm chính sách như Sandbox trong lĩnh vực mới chưa có quy định; chọn lựa, khai thác đội ngũ chuyên gia quốc gia, quốc tế để tư vấn cho địa phương định vị và thiết kế mô hình cụ thể.
Tranh luận lại, ĐB Cường cho rằng bộ trưởng chưa trả lời nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ KHCN trong việc thực hiện chủ trương này. Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực cố gắng làm việc với bộ, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được trung tâm này.
Thông tin thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương chung của Chính phủ là ưu tiên thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến nay đã có nghị định ban hành chức năng nhiệm vụ, xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và sắp tới sẽ khánh thành và tính tới phát triển ở các vùng. Chúng ta cũng khuyến khích các tập đoàn nước ngoài đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo, bước đầu có kết quả tốt.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ví dụ về Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội có trị giá 220 triệu USD, có thể là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực liên quan. “Trên cơ sở đó chúng ta sẽ triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng” - Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu cần tiếp tục thúc đẩy vì việc xây dựng các trung tâm này là rất gian nan.
Bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng?
Tiến hành chất vấn, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị bộ trưởng cho biết trong năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.
Theo Bộ trưởng KHCN, thực tế cho thấy kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện đã có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo. Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa.
“Cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ KHCN sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển” - ông Đạt thông tin.
Chưa hài lòng, ĐB Lê Thanh Vân tranh luận và cho rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. “Thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới” - ông Vân nói.
ĐBQH Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho KHCN, tuy nhiên vấn đề là sử dụng nguồn lực này như thế nào? Về nội dung này, Bộ trưởng KHCN cho biết, nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác lập lợi nhuận hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai.