6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện; số tiền vi phạm là 883,2 tỷ đồng.
Nhiều nơi không gửi báo cáo
Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Báo cáo bước đầu của đoàn giám sát cho thấy, qua rà soát sơ bộ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy các báo cáo cơ bản chưa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định.
Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan Trung ương, 10 Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nội dung báo cáo của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế hầu hết các bộ, ngành, địa phương chỉ nêu nhận định chung chung, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát, không định lượng cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí trong khi Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn báo chí nêu rất nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, trách nhiệm chậm ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trước hết là của Bộ Tài chính và Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan khác dẫn đến việc chậm ban hành các chương trình tổng thể này.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021 vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được phát hiện và xử lý là 12.640 vụ; tổng giá trị các vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng.
Lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng; số tiền vi phạm đã xử lý, cắt giảm dự toán hơn 8.574 tỷ đồng.
Tổng 6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện; số tiền vi phạm đã phát hiện là 883,2 tỷ đồng. Số vốn chậm giải ngân so với kế hoạch là 25.185,4 tỷ đồng.
Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn. Hiệu quả huy động các nguồn lực trong xã hội chưa cao. Nguồn lực tài chính nhà nước chưa phát huy có hiệu quả vai trò “tạo môi trường” để thu hút sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế khác.
Đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể kết quả, tình hình thực hiện và các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực trọng tâm theo yêu cầu của Đoàn giám sát, trong đó tập trung làm rõ tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung cho chi đầu tư phát triển, đặc biệt làm rõ các thông tin, số liệu về tổng chi, tỷ trọng chi thường xuyên và chi đầu tư theo dự toán Quốc hội thông qua và số thực chi và quyết toán NSNN hằng năm của các địa phương.
Lưu ý tới các dự án thua lỗ
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần có chế tài cần thiết để đảm bảo tính nghiêm túc khi có những bộ, ngành, địa phương báo cáo, nhưng cũng có những ngành, địa phương không báo cáo để lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Ông Mẫn đề nghị, tập trung giám sát những nội dung “nóng” dư luận quan tâm, là những “điểm nghẽn”, nút thắt, bài toán khó chưa có lời đáp. Bởi đây là những vấn đề cần quan tâm làm rõ, trong đó đặc biệt chú ý giám sát sâu triển khai thực hiện quyết toán các dự án trọng điểm thuộc các ngành như giao thông, dầu khí, điện gió, sử dụng vốn ngân sách nhà nước không hiệu quả, làm rõ những dự án chậm tiến độ.
“Lý do vì sao chậm? do thiếu vốn, đền bù tái định cư chậm, hay nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực” - ông Mẫn nêu vấn đề và lưu ý tới các dự án thua lỗ không có khả năng thu hồi vốn. Nhất là 12 dự án trọng điểm đã xử lý được một số, còn 1 số dự án không có khả năng hoạt động thu hồi.
Ông Mẫn đặt vấn đề: “Các dự án hoàn thành không sử dụng, hoặc đầu tư không hiệu quả. Từ khi có Nghị quyết 11 ngưng thi công, đình hoãn thì tới nay các dự án đầu tư tạm dừng, dở dang thì còn bao nhiêu dự án, có tiếp tục hay không, có khắc phục được hay không?”.
Cùng chung quan điểm, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, có 3 điểm nhấn khi giám sát cần tập trung khai thác. Thứ nhất, lãng phí đất đai rất nhiều, nên tập trung các dự án dang dở, nằm phơi mưa phơi nắng. Theo đó, ngoài 12 dự án điển hình cần đi khảo sát thực tiễn vì qua báo chí để xem còn dự án nào nữa vì đây là hình thức lãng phí lớn.
“Về quản lý sử dụng tài sản công cũng là lĩnh vực có nhiều lãng phí thì qua giám sát cho thấy việc mua sắm, sử dụng tài sản không qua mục đích, vượt tiêu chuẩn định mức. Việc xử lý sắp xếp các trụ sở tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp nhà nước còn chậm” - bà Nga cho hay và mong muốn qua giám sát này tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.
"Chỉ khi nêu rõ trách nhiệm thì mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ còn nếu vẫn để chung chung có nơi, có lúc, có đơn vị hay có địa phương mà không nêu đơn vị, địa phương nào làm chưa tốt thì cuộc giám sát này sẽ không có chuyển biến trong thực tiễn”.