Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giảm 2.000 đồng/lít đối với xăng theo đề xuất của Chính phủ.
Chiều 23/3, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4 đến 31/12/2022.
Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, để góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất: xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian áp dụng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Tác động đến NSNN
Ông Phớc tính toán rằng, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 sẽ tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 là năm 2019, khi đó, với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu NSNN (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu NSNN bình quân tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng).
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 thì số giảm thu NSNN (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian qua và được dự báo là có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ có tác động làm tăng thu NSNN, đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô. Qua đó, sẽ bù đắp số giảm thu do việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo phương án trên.
Liên quan đến tác động đến giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, ông Phớc lý giải: Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tương ứng là 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Về tác động đến CPI, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, theo ông Phớc: Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát. Đồng thời, góp phần làm giảm chỉ số CPI.
Giả thiết Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong 9 tháng còn lại của năm 2022 ổn định như giá tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3/2022 thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 ước khoảng 0,76%-0,85%.
Tuy nhiên, do thuế bảo vệ môi trường là số tuyệt đối, CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến CPI giảm dần khi giá xăng dầu tiếp tục tăng lên so với hiện hành; giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10% so với mức hiện hành; giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20% so với mức hiện hành; giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30% so với mức hiện hành.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay: Đa số ý kiến cơ bản thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Về mức giảm, theo ông Cường, đa số ý kiến thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ vì việc giảm thuế là chính sách hỗ trợ, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, vừa bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới hiện nay, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.