Hiện nay nhiều mặt hàng thiết yếu của người dân đang bị tăng giá một cách chóng mặt. Trong khi đó, việc thu nhập giảm vì tình hình dịch bệnh dẫn đến sức mua yếu đi. Những suất cơm hộp văn phòng đối với một số người cũng trở nên “xa xỉ” hơn trước.
Xoay xở với mức giá “bình dân”
Em Bùi Ngọc Long (23 tuổi, trú tại Long Biên) hiện đang làm việc ở một văn phòng bất động sản tại Cầu Giấy. Trung bình mỗi ngày, Long phải di chuyển 40 km để đến cơ quan và trở về nhà khi tan làm. Tiền xăng Long phải chi ra mỗi ngày là 25.000 đồng. Vì để kịp giờ làm việc, Long không chuẩn bị cơm từ nhà mà thường ăn trưa các hàng quán bình dân gần công ty.
Lần gần đây nhất, Long đã phải tìm kiếm tại ba hàng để có được một suất ăn phù hợp với túi tiền của mình: “Em có đi hỏi một số quán, họ đều nói là giá nguyên liệu, vận chuyển tăng nên giá cơm hộp không có mức 30.000 hay 35.000 nữa. Suất ăn ít nhất tại các cửa hàng bình dân hiện nay cũng có giá 45.000 và có nơi lên tới 55.000 đồng. Nếu giá cứ cứ tiếp tục lên như này, chi phí đi lại và ăn uống đã chiếm hết hơn nửa số lương em nhận được”, em Bùi Ngọc Long chia sẻ.
Theo khảo sát tại các khu vực khác như Đống Đa, Thanh Xuân, giá cơm hộp tại đây cũng có biến động từ 10.000 - 15.000 đồng so với trước thời điểm giá xăng tăng. Chị Nguyễn Bích Thủy (Tiểu thương tại chợ Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khoảng ba tuần trở lại đây, giá thực phẩm tại các chợ tăng lên khá nhiều. Chúng tôi vẫn có đi giao đều cho các nhà hàng thế nhưng vì giá xăng tăng nên vận chuyển cũng mất phí nhiều hơn”.
Bên cạnh đó, Trước tình hình giá xăng biến động mạnh, nhiều người dân tại Hà Nội đã quyết định từ bỏ phương tiện di chuyển cá nhân để sử dụng xe buýt và tàu điện trên cao. Em Nguyễn Thảo Linh (trú tại tại Đê La Thành, Đống Đa) hiện đang làm việc tại một trung tâm tiếng anh ở quận Hà Đông. Trong khoảng thời gian gần đây, việc giá xăng tăng đã khiến Linh phải tìm cách tiết kiệm hơn. Linh kể lại: “Trong một lần đi làm về em có tìm thấy bên đường có một chuyến xe buýt điện, trông xe rất mới và thoáng, từ đó em đã tìm hiểu thông tin và thay đổi sang di chuyển bằng xe buýt đến chỗ làm thay vì sử dụng xe máy”.
Giá xăng sẽ còn tiếp tục lên?
Việc giá xăng trong nước tăng liên tiếp 7 lần kể từ tháng 12/2021 dẫn đến giá thành vận chuyển, sản xuất tăng và nhiều đợt tăng giá kéo theo. Qua quan sát thị trường, các hàng hóa thiết yếu bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong bối cảnh đồng lương của người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên sức mua yếu đi. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ giảm sâu so với thời kỳ sôi nổi trước dịch. Điều này sẽ tác động lâu dài, âm ỉ đến cả năm 2022 nếu giá xăng còn tiếp tục tăng.
Không chỉ là người dân, các doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá xăng tăng cao khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên, sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài không còn nhiều trong khi sức mua của dân bị yếu đi. “Giá cả hiện nay cần phải được kiểm soát tốt hơn trước khi vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, đặc biệt là giá xăng. Nếu không sớm có những biện pháp thực tế, đầu ra của doanh nghiệp bị hạn chế, sức cạnh tranh mất dần vì phân khúc khách hàng tại Việt Nam đang ở mức trung bình thấp. Người dân sẽ không thể đủ sức mua với chính hàng nội địa”, ông Mạc Quốc Anh (Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam) cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú (chuyên gia kinh tế): “Hiện nay, chúng ta đang không chủ động trong vấn đề sản xuất và phân phối xăng dầu và phụ thuộc vào các quỹ bình ổn không bền vững, liên doanh không hiệu quả, dự trữ quá ít để đối phó với các biến động.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế phí chậm và không đủ độ chín. Giảm 2.000 đồng thuế phí không làm hạ nhiệt giá hàng hóa trên thị trường. Cần phải giảm thêm. Chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước bằng cách tổ chức sản xuất xăng dầu trong nước, tổ chức lọc hóa dầu hiệu quả; Xử lý liên doanh Nghi Sơn nhiều sai sót và không hiệu quả; Tổ chức dự trữ và tăng mức dự trữ lên sáu tháng đến một năm; Tổ chức lại hệ thống phân phối, cần xóa bỏ hiện tượng chưa có sự cạnh tranh, cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhưng Nhà nước vẫn giữ thị phần chi phối; Kiểm soát thị trường, chống xăng giả, xăng lậu; Bỏ lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn; Hoạch toán minh bạch, lời ăn lỗ chịu”.