Theo dự thảo nghị định, Bộ Công an đã đề xuất nhiều quy định mới về việc tịch thu đối với tang vật và xử lý xe vi phạm hết hạn tạm giữ.
Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 115/2013 (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 31/2020).
Dự thảo nghị định gồm 3 chương 19 điều, quy định về chế độ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan và người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, sau hơn 7 năm triển khai thi hành, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc xác minh tình tiết các vụ vi phạm, tuy nhiên nghị định này cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Dự thảo nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính của Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có những điểm mới hơn so với Nghị định số 115/2013 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập đó.
Dự thảo đã đưa ra quy định tang vật, phương tiện tạm giữ, tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được bảo quản an toàn, đảm bảo giá trị nguyên vẹn, không tính các yếu tố khách làm hao mòn do thời gian hoặc thời tiết.
Quy định này xuất phát từ thực tế có nhiều tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ không được bảo quản với điều kiện đảm bảo như nhà, kho, bãi, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo khô ráo.
Để khắc phục tình trạng này Điều 6 của Dự thảo đã quy định rất chi tiết điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi: phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng; có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời Dự thảo cũng đưa ra quy định về trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật của người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu. Nếu tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán tái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định trên sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức, cá nhân có tang vật bị tạm giữ, tịch thu yêu cầu bồi thường khi xảy ra tình trạng tang vật bị mất, bị bán, đánh tráo, hư hỏng…
Cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, dự thảo Nghị định còn đặt ra quy định mới về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ.
Cụ thể, việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các Khoản 4 Điều 126 luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm thì phải được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở của người có thẩm quyền tạm giữ trong thời hạn 30 ngày.
Nếu người vi phạm không đến nhận thì tang vật, phương tiện vi phạm sẽ được tịch thu để xử lý theo Điều 82 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định này sẽ giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời hạn tạm giữ, giải quyết tình trạng mỗi nơi xử lý theo một kiểu, tạo cơ chế thống nhất trong xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Luật sư Tiền cho rằng, dự thảo Nghị định đã có những quy định mới, tiến bộ hơn nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập của Nghị định 115/2013 và tạo cơ chế để cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc xử lý, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bảo đảm tài sản của người vi phạm hành chính được bảo quản an toàn.