Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Tạ Anh Tuấn đã ký ban hành Thông tư số 44/2021 quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 5/8/2021.
Được biết, Thông tư số 44/2021 được ban hành nhằm thay thế Thông tư số 88/2012 ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt, Thông tư liên tịch số 75/2012 ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các khu đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.
Theo nội dung Thông tư, khung giá nước sạch được quy định như sau: Đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 giá nước sạch từ 3.500-18.000 đồng/m3; Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5: 3.000-15.000 đồng/m3; giá nước tại khu vực nông thôn từ 2.000-11.000 đồng/m3.
Bên cạnh đó, lợi nhuận định mức đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn tối đa là 1.300 đồng/m3; đối với cấp nước đồng thời cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa là 1.500 đồng/m3. Lợi nhuận định mức tối thiểu đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước là 360 đồng/m3.
Ngoài ra, khách hàng sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt được chia thành 4 nhóm gồm: Hộ dân cư; Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trường học, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, phục vụ mục đích công cộng; Tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất; Tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ. Hệ số tính giá cụ thể đối với từng bộ thang, nhóm khách hàng do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong phương án giá nước sạch.
Về những điểm mới của Thông tư, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng chia sẻ:
Thông tư mới được ban hành để sửa đổi, bổ sung thay thế 2 thông tư đó là Thông tư số 88/2012 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 75/2012 của 3 Bộ: Tài chính, Xây dựng và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là sự kết hợp hợp lý vì trong 2 thông tư cũ có nhiều nội dung liên quan chặt chẽ với nhau.
Bên cạnh đó, Thông tư khẳng định và hướng dẫn rõ hơn cụ thể hơn nguyên tắc xác định giá nước nhằm tạo ra các điều kiện, cơ hội về pháp luật để các doanh nghiệp ngành nước thực hiện được nguyên tắc bảo đảm tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình từ khai thác, sản xuất, phân phối đến tiêu thụ và có lợi nhuận… Thông qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chí phí, thất thoát… đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, Thông tư bổ sung thêm 2 chi phí mới đó là chi phí tài chính và chi phí đảm bảo cấp nước an toàn. Đồng thời các chi phí trong Thông tư mới này được giải thích rõ hơn, đầy đủ hơn và dễ hiểu hơn. Một điểm mới là, trong Thông tư này, nội dung chi phí sản xuất không phân biệt cho khu vực đô thị hay nông thôn như trong Thông tư số 75.
Lợi nhuận định mức đã bỏ tỷ lệ tối thiểu 5% mà thay vào đó là con số tuyệt đối (tại khoản 1 Điều 8 quy định: Lợi nhuận định mức đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn tối đa 1.300 đ/m3… cấp nước đồng thời cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa 1.500 đ/m3..).
Đặc biệt, Thống nhất giá bán lẻ nước sạch theo các đối tượng sử dụng nước. Thông tư liên tịch số 75/2012 có sự chồng chéo giữa đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng.
Cuối cùng, về lộ trình điều chỉnh giá nước, mặc dù đã giao cho UBND cấp tỉnh lựa chọn quyết định lộ trình điều chỉnh giá nhưng Thông tư 44/2021 đã khống chế với thời gian tối đa là 5 năm. Qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương quan tâm hơn về giá nước này
Mặc dù vẫn còn một vài điểm bất cập nhưng về tổng thể Thông tư số 44/2021 lần này tiến bộ hơn, nhiều bất cập bước đầu được giải quyết, quan trọng là tổ chức thực hiện. Theo tôi, thành công hay không là ở khâu này. UBND cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Mong rằng sự vào cuộc của UBND cấp tỉnh, của các cơ quan có liên quan và sự đồng thuận của nhân dân, Thông tư số 44/2021 đi vào cuộc sống góp phần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước… chất lượng nước sẽ được nâng cao và chất lượng dịch vụ sẽ được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người dân, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết thêm.