Điểm sàn và nguồn tuyển sinh

Hàn Minh 31/12/2016 09:05

Trong khi Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn đại học thì Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh của Bộ LĐTB&XH vẫn yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bậc Cao đẳng. Điều này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận vì trên thực tế, không cần áp dụng điểm sàn thì nhiều trường CĐ cũng đã kêu “khó”, không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Nếu bỏ điểm sàn ĐH, nhiều trường CĐ lo “cạn” nguồn tuyển.

Ảnh minh họa.

Hai dự thảo “chéo ngoe”

Đầu tháng 11/2016, Bộ GD&ĐT đã chuyển giao quản lý nhà nước đối với hơn 500 trường CĐ, TC chuyên nghiệp cho Bộ LĐTB&XH. Từ năm 2017, tuyển sinh CĐ, TC sẽ thực hiện theo quy chế mới do Bộ LĐTB&XH ban hành.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH cũng đã ban hành dự thảo quy chế tuyển sinh CĐ, TC 2017 để tham khảo ý kiến dư luận. Cụ thể, dự kiến Bộ LĐTB&XH sẽ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Từ đó các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Những thí sinh xét tuyển CĐ nguyện vọng 1 bắt buộc phải nộp bản chính phiếu chứng nhận kết quả thi. Sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển, thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi và không có phản hồi gì coi như không có nguyện vọng học tại trường.

Lo ngại sẽ không nhiều thí sinh chọn nộp phiếu chứng nhận kết quả thi ngay ở thời gian đầu, một chuyên gia giáo dục cho rằng: Nếu điểm sàn chung vào ĐH do Bộ GD&ĐT quy định không có, các trường có thể hạ điểm sàn riêng của trường mình không nếu không tuyển đủ thí sinh như mùa tuyển sinh 2016 vừa qua? Lúc đó, nếu các em đã nộp phiếu vào trường CĐ rồi mà các trường ĐH lại hạ điểm chắc chắn nhiều thí sinh và phụ huynh “nhấp nhổm” muốn chuyển trường.

Để tránh tình trạng này xảy ra, vị chuyên gia này đề xuất cần xem lại về việc quy định điểm sàn của cả ĐH và CĐ. “Đây mới là dự thảo, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH chắc chắn cần sự bàn bạc và tính toán kỹ lưỡng để đưa ra quy chế tuyển sinh hợp lý, vừa không làm khó nhà trường và thí sinh, vừa tránh sự chồng chéo hoặc quá đối lập”.

Kinh nghiệm quốc tế

Phân tích quy định điểm sàn, GS Nguyễn Quý Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, điểm sàn hay nói rộng hơn là tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu ở các nước khá đa dạng. Đó có thể là một mức điểm của bài thi tuyển sinh hoặc một mức điểm của bài thi chuẩn hóa hoặc điểm trung bình chung học tập thậm chí đó là yêu cầu phải học và tích lũy được tín chỉ của một số môn quan trọng nếu chương trình giáo dục phổ thông quá khác nhau giữa các trường.

“Trong tuyển sinh ĐH ở Đức, Thụy Điển, Trung Quốc… hay ở nhiều bang tại Hoa Kỳ các cơ quan quản lý giáo dục đưa ra các mức “điểm sàn” dưới các hình thức khác nhau. Theo Quy hoạch Tổng thể giáo dục Bang California các trường thuộc Hệ thống ĐH California (gồm các ĐH nghiên cứu của bang, đào tạo đến tận bậc tiến sĩ) chỉ được tuyển các học sinh thuộc nhóm khoảng 12,5% học sinh giỏi nhất. Các trường thuộc Hệ thống ĐH Bang của California (các trường chủ yếu là đào tạo bậc đại học, chỉ một số đào tạo bậc thạc sĩ)- chỉ được tuyển học sinh trong nhóm khoảng 33% học sinh giỏi nhất. Chỉ có các trường cao đẳng cộng đồng mới được “tuyển sinh mở” theo hướng tất cả học sinh có bằng tốt nghiệp THPT đều có thể vào học”- ông Thanh nói.

Như vậy, ở nhiều nước việc “tuyển sinh mở” áp dụng khi học sinh chi cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học lực để tuyển vào học đại học. Tuy nhiên, để tốt nghiệp THPT, học sinh các nước đó phải thi đạt và tích lũy đủ số tín chỉ của tất cả các môn trong chương trình. Bất cứ môn nào bị “trượt” thì đều không đủ điều kiện tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ở Việt Nam yêu cầu “tốt nghiệp THPT” lại không thể xem như một loại “điểm sàn” tương tự như ở nước ngoài. Bởi vì, học sinh Việt Nam chỉ cần đạt điểm trung bình từ 5 trở lên cho tất cả các môn (trong đó, ít nhất toán hoặc ngữ văn từ 5 trở lên, không bị điểm liệt môn thi tốt nghiệp và hạnh kiểm đạt yêu cầu) là đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp. Nói cách khác, học sinh có thể học dưới trung bình (không đạt) vài môn, nhưng điểm vài môn khác cao hơn để bù lại là đủ để tốt nghiệp.

“Việc bỏ điểm sàn là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH. Tuy nhiên trong bối cảnh các trường ĐH chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sư lo lắng của xã hội là có cơ sở. Các trường cần thông qua kiểm định chất lượng khách quan để thuyết phục xã hội về năng lực của mình. Khi trường đại học được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ.

Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng. Thí dụ, trước mắt Bộ GD&ĐT có thể trao cho các trường đại học và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN hoặc chuẩn quốc tế quyền tự quyết về tuyển sinh. Ngược lại, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình “điểm sàn” áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12). Điều này nhằm mục đích để các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sàn và nguồn tuyển sinh