8 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Vượt qua khó khăn, duy trì xu hướng tích cực
Năm 2024 là năm bản lề đặc biệt quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tháng cuối của quý III/ 2024 đã bắt đầu với rất nhiều công việc được đặt ra.
Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam đang chạy nước rút để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ đầu năm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%. Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chinh sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện.
Nhìn lại chặng đường 8 tháng đầu năm cũng cho thấy, các điểm sáng kinh tế ngày càng nhiều hơn. Những tháng qua, kinh tế - xã hội có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 là 6%. Khu vực công nghiệp - xây dựng trở lại là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Xuất khẩu 7 tháng tăng 15,7% so với cùng kỳ, là điểm sáng của nền kinh tế; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng tích cực; cán cân thương mại duy trì mức xuất siêu cao, 7 tháng đạt 14,08 tỷ USD. Một số địa phương có GRDP 6 tháng tăng mạnh: Bắc Giang tăng 14,14%; Khánh Hoà tăng 12,73%; Thanh Hóa tăng 11,49%; Hà Nam tăng 10,35%; Hải Phòng tăng 10,32%; Trà Vinh tăng 10,27%; Hải Dương tăng 10%.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực này được quan tâm, chú trọng.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hiệu quả năng suất lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp, cho thấy sự chuyển biến về chất của doanh nghiệp.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 1,89% so với tháng 12/2023; tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát để thực hiện thành công mục tiêu cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Đặc biệt, năm 2024, ngành rau quả Việt Nam kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 6,5 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào. Nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng, đặc biệt một số loại trái cây đã bước vào vụ thu hoạch chính như: sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải…
Cùng với đó, thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nói riêng về dòng vốn FDI, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng điểm đáng khích lệ là dòng vốn FDI tăng trưởng và giải ngân khá tốt, đó là một dòng chảy vững chắc và điều đó sẽ tiếp tục trong trung hạn.
Chuyên gia WB khuyến nghị: Việt Nam cần bảo đảm nền kinh tế trở nên xanh hơn, nền kinh tế nên hướng mạnh vào công nghệ thông tin, nền kinh tế kỹ thuật số.
Các yếu tố tích cực
Tại Công điện số 71 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư.
Theo TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp.
Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhất là những dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Ngay thời điểm giữa năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 phương án kịch bản tăng trưởng. Ở Kịch bản cơ sở: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5%. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi; Kịch bản cao: Dự kiến tăng trưởng cả năm đạt 7% (quý III tăng 7,4%, quý 4 tăng 7,6%).
Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam nhận định, tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%. Cơ sở của tăng trưởng GDP cao của năm 2024 bởi khu vực tư đang khởi sắc, quý II tăng trưởng đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,43%.
Đà tăng trưởng này có dấu ấn của khu vực kinh tế tư nhân, cùng với sự dẫn dắt của khu vực công… nên việc đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí trên 7%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có nhiều yếu tố tạo nên tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024. Đó là xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới, động lực để đầu tư bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư FDI. Bên cạnh đó các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỉ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp phải những khó khăn trong xuất khẩu, như chi phí vận tải tăng lên, hay phải điều chuyển tuyến vận tải trên đường biển.
Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch phục hồi khá mạnh mẽ. Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông hơn, mục tiêu chúng ta đặt ra hơn 8 triệu lượt khách trong vòng 6 tháng đầu năm. Chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới kỳ vọng năm nay khách du lịch nước ngoài đạt hơn 17 -18 triệu lượt.
Từ ngày 1/8/2024 là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, lĩnh vực mà 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn. Khi thị trường bất động sản được tháo gỡ thì dòng tiền sẽ được lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thúc đẩy tăng trưởng tối đa
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, mặc dù tăng trưởng đạt 7% là rất cao nhưng hoàn toàn có khả năng phấn đấu được.
Cùng quan điểm, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc tiếp tục có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì việc giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải tăng tốc trong 4 tháng cuối năm, để có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc kích cầu tiêu dùng thông qua giảm giá hàng tiêu dùng; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn; đồng thời, đẩy mạnh sức mua trong nước bằng việc thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử, mở rộng tiêu dùng nội địa...
Cùng với đó, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích sản xuất xanh, ít phát thải, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân.
Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam lưu ý, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn với 71,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp vừa nhỏ vừa yếu, nhưng giải pháp hỗ trợ lại chưa đi vào thực chất.
Điều cần nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc này là nguồn vốn, do đó có chính sách tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ và thủ tục nhanh gọn nhất. Luật Công nghiệp hỗ trợ có thể cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Quỹ là dòng “vốn mồi” để doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế (trong 6 tháng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu). Thuế Đất tiếp tục giảm 50% (trước đây đã giảm 30%), cho các doanh nghiệp (trong năm 2024 và 6 tháng 2025). Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thiết thực và hiệu quả với phương châm phục vụ doanh nghiệp, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như là nguyên liệu chính trong hoạt động của doanh nghiệp: điện, nước, xăng dầu...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - Trần Thị Hồng Minh thì cho rằng, cần lưu tâm đến cả những nội lực khác của nền kinh tế, gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ “Gen Z” đang ngày một mở rộng, và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng...
Hiện Việt Nam được đánh giá đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cũng như an sinh xã hội hậu Covid-19. Ðó chính là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, phải xác định việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động.
Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Áp lực lạm phát còn lớn
Với những tác động tiêu cực, kéo dài từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Các động lực tăng trưởng vẫn còn đối diện với thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro. Áp lực lạm phát còn lớn, cần được theo dõi sát để có giải pháp chủ động, kịp thời.
Về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, cần khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, xử lý ngay các vướng mắc về thủ tục hành chính để đảm bảo tiến độ chất lượng và xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh làm mới 3 động lực tăng trưởng là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, trong đó tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh kích cầu trong nước.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương:
Cấp bách vực dậy thị trường trong nước
Thị trường trong nước hiện nhiều tiềm năng, tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do những nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.
Tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm). 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược thương mại trong nước.
Theo đó, những tháng cuối năm, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực gồm tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu các mặt hàng thuộc thế mạnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy sức mua ở thị trường trong nước, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung 2 giải pháp, bao gồm phát triển nguồn hàng và phát phát triển khâu phân phối, lưu thông, logistics để kết nối các nhà sản xuất với nhà bán buôn, bán lẻ đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội:
Biến lợi thế của đầu tư nước ngoài thành lợi thế của mình
Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư, tuy nhiên chúng ta chưa có được doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để bắt tay và đồng hành, tạo sự lan tỏa của nguồn vốn.
Vì vậy, hợp tác các doanh nghiệp trong nước cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của cơ quan quản lý góp phần nâng cao năng lực để các doanh nghiệp trong nước trở thành những doanh nghiệp lớn có khả năng song hành với nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó chúng ta mới có thể tiếp cận công nghệ cũng như biến những lợi thế của đầu tư nước ngoài thành lợi thế của mình. Đây là việc cần thiết để tạo ra một nền kinh tế độc lập tự chủ.