Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường đại học (ĐH) mở thêm ngành mới. Điều này được nhận định là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và mong muốn của người học. Theo đó, người học cũng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn.
Cụ thể, năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Năm 2023, trong đề án tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy dự kiến năm 2023, Trường ĐH Thủy lợi thông báo sẽ mở mới 3 ngành là Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành. Đại diện Trường ĐH Thủy lợi cho hay, đã nghiên cứu và thấy trong 5-20 năm tới, nhu cầu giao lưu văn hóa, hợp tác ngày càng cao nên quyết định đầu tư mở những ngành nói trên nhằm trang bị cho sinh viên thêm kỹ năng hữu ích để hội nhập.
Cùng với đó, Trường ĐH Ngoại thương sẽ mở hai ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và chương trình Kinh tế chính trị quốc tế.
Ở khu vực phía Nam, một số cơ sở cũng đã công bố việc mở ngành học mới gắn với kỷ nguyên số và xu hướng xã hội. ĐH Quốc gia TPHCM đã đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành bậc ĐH ở các trường thành viên, như thí điểm ngành trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, và ngành Thú y (Trường ĐH An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành y học cổ truyền và ngành điều dưỡng.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa công bố mở mới 5 chương trình đào tạo gắn liền với kỷ nguyên số, gồm các ngành học: Công nghệ tài chính (Fintech), Marketing công nghệ (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), công nghệ logistics (Logtech), chương trình song bằng mới về kinh tế chính trị - luật và quản trị địa phương…
Trên thực tế, các cơ sở giáo dục ĐH mở thêm ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đang rơi vào trạng thái lưỡng lự, phân vân và lo lắng do chưa đủ khả năng nắm bắt cơ hội để lựa chọn ngành học phù hợp.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia tuyển sinh, bên cạnh việc xác định năng lực để chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh cần khai phóng chính bản thân mình, tìm ra hướng đi tốt nhất mới có thể tồn tại và phát triển trong tương lai.
TS Trần Khắc Thạc - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi phân tích: Trong những năm tới, xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực rất lớn. Nhiều ngành nghề phải kết hợp với công nghệ để tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của xã hội hiện đại. Hầu hết các ngành nghề đều cần sự hợp tác quốc tế để có sự phát triển bền vững. Từ đó, thí sinh có thể lập danh sách các ngành học liên quan, tìm hiểu và đưa ra quyết định cho tương lai.
Trước đó, theo báo cáo tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 4/23 ngành, lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất: Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội. Cụ thể, ngành Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng nhập học thấp nhất với 42,91%, tiếp đến Khoa học sự sống (54,35%), Khoa học tự nhiên (58,28%), Dịch vụ xã hội (58,91%).
Liên quan đến việc mở ngành học mới, để đảm bảo công tác tuyển sinh đạt hiệu quả và chất lượng tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động trước khi mở ngành học. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường hợp nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.