Điện ảnh vẫn loay hoay tìm 'đầu ra'

Minh Quân 25/10/2023 07:24

Tới nay, hệ thống rạp chiếu phim đã tăng cả về số lượng cũng như chất lượng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều khi các cụm rạp tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và thuộc sở hữu, quản lý của các công ty tư nhân và liên doanh nước ngoài.

Trung tâm Chiếu phim quốc gia, một trong những đơn vị hiếm hoi của nhà nước được đầu tư hiện đại.

Cán cân chênh lệch

Theo thống kê của rạp chiếu phim CGV, từ năm 2014 đến nay số lượng rạp chiếu phim cả nước đã tăng từ 79 rạp lên 212 rạp, số lượng màn hình tăng từ 359 màn hình lên 1091 màn hình và số lượng ghế tăng từ hơn 52 nghìn ghế lên gần 148 nghìn ghế. Các chỉ số nêu trên cho thấy về cơ sở hạ tầng các cụm rạp tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá đồng đều theo từng năm. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, với sự thành công vang dội của một số bộ phim của Việt Nam như “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Con Nhót mót chồng”… cùng các bộ phim “bom tấn” nước ngoài cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của các rạp chiếu phim sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, song song với sự tăng trưởng, thì “đầu ra” của ngành điện ảnh đang có sự phát triển không đồng đều khi hầu hết các cụm rạp tập trung ở các thành phố lớn. Hiện nay các rạp chiếu phim do các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của các tỉnh, địa phương quản lý hầu hết vẫn đang trong tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu. Giám đốc nội dung CGV Nguyễn Hoàng Hải cho biết, kể từ năm 2012, khi ngành công nghiệp điện ảnh chính thức chuyển đổi từ công nghệ máy chiếu phim 35mm sang máy chiếu phim kỹ thuật số thì rất nhiều rạp chiếu phim của các Trung tâm phát hành và chiếu bóng các tỉnh thành phải tạm ngưng chiếu phim do chưa được đầu tư hệ thống máy chiếu kỹ thuật số. Hiện chỉ còn 4 cụm rạp chiếu phim nhà nước còn duy trì hợp tác thường xuyên với CGV trong công tác phổ biến phim, đó là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC), Rạp Tháng Tám (Hà Nội), rạp Đông kinh (Lạng Sơn), rạp Đắc Lắk (Đắc Lắk). Cũng theo ông Hải, chúng ta không phủ nhận chất lượng nội dung phim là yếu tố đầu tiên và quan trọng để thu hút khán giả đến xem phim, khán giả sẽ không xem những bộ phim mà họ không thích nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị rạp chiếu cũng là yếu tố quan trọng góp phần mang lại trải nghiệm điện ảnh khác biệt cho khán giả, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại khi mà các nền tảng phim có bản quyền trên internet đã và đang phát triển số lượng thuê bao với tốc độ chóng mặt thì việc khán giả tiếp cận với nguồn phim chất lượng chỉ với một chi phí không nhiều và hoàn toàn dễ dàng. Vậy thì việc khán giả đến rạp xem phim phải mang lại cho họ một trải nghiệm điện ảnh mà họ không thể dễ dàng có được ở nhà từ màn hình, hệ thống âm thanh, khung cảnh và môi trường xung quanh và sự tương tác với khán giả.

“Có thể thấy, các rạp chiếu phim, bất kể thuộc sở hữu và quản lý của các công ty tư nhân, liên doanh nước ngoài hay của Nhà nước đều cần được cải tạo và nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để thu hút khán giả” - ông Hải bày tỏ.

Các rạp chiếu phim tư nhân và liên doanh nước ngoài thu hút khán giả.

Xóa khoảng cách hưởng thụ văn hóa

Thực tế cho thấy, “đầu ra” cho ngành điện ảnh nói chung và phim Việt Nam nói riêng vẫn đang là một hành trình đầy gian nan. Bên cạnh sự chênh lệch quá lớn về cơ sở hạ tầng giữa các tỉnh thành, thì các đội chiếu bóng lưu động thuộc đang được xem là “cánh tay nối dài” để lan tỏa các sản phẩm điện ảnh đến với công chúng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc duy trì các đội chiếu bóng lưu động hiện nay chỉ là những giải pháp tạm thời. Theo Trưởng phòng nghiệp vụ - Điện ảnh (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bắc Giang) Phạm Thế Quyền, hiện nay công tác chiếu phim lưu động gặp nhiều khó khăn. Trung tâm chưa sản xuất được phim, chưa chủ động trong việc có nguồn phim chất lượng, nguồn kinh phí để mua phim hiện nay không có. Việc phổ biến phim hiện nay ở Bắc Giang chủ yếu là chiếu phim phục vụ miễn phí bằng hình thức chiếu phim lưu động, việc phổ biến phim trên mạng internet chưa được khai thác hiệu quả. Nguồn phim cho chiếu bóng lưu động chủ yếu là các phim về đề tài truyền thống cách mạng do Cục Điện ảnh cung cấp. Trong khi nhu cầu của giới trẻ các vùng nông thôn và miền núi về dòng phim giải trí là rất cao.

“Các nhà sản xuất, phát hành phim cần có biện pháp đưa phim, đặc biệt là phim Việt Nam vào chiếu đồng thời hoặc sau một thời gian ngắn với các rạp lớn ở thành phố để người dân ở các tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được thưởng thức các chương trình phim mới, xóa đi khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền với cơ chế và giá thuê hay mua phù hợp” - ông Quyền đề nghị.

Nhìn nhận về thực trạng này, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, rạp chiếu phim ở Việt Nam hiện nay chủ yếu ở các thành phố lớn, rạp của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, chiếm 60% số rạp và chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam. Chính vì vậy, cần đưa ra những chính sách ưu đãi trong sản xuất phim với mục tiêu là sản xuất nhiều bộ phim có giá trị nội dung và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục. Cụ thể, cần có ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc Nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để các nhà sản xuất phim có động lực tiếp tục làm ra những bộ phim đặc sắc, chạm được đến xúc cảm của khán giả. Trước mắt, ngành điện ảnh Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ cả về hạ tầng lẫn chất lượng để ngày càng được khán giả Việt Nam ủng hộ nhiều hơn, và có thể vững vàng như ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh vẫn loay hoay tìm 'đầu ra'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO