Mặc dù những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có phim đạt doanh thu trăm tỷ, tuy nhiên, nhìn trên “bảng vàng” thì hầu hết đều là những bộ phim được chuyển thể từ các kịch bản của nước ngoài.
Khoảng lặng của người trong cuộc
Với sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, trong những năm qua các tác phẩm điện ảnh mang thương hiệu Việt đã có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên phim Việt vẫn nuôi hy vọng cạnh tranh ngang hàng với các sản phẩm “bom tấn” của nước ngoài tại các cụm rạp, phủ sóng rộng khắp trên các kênh sóng truyền hình, ứng dụng trực tuyến. Thế nhưng, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của khán giả là những khoảng lặng của những người trong cuộc. Hầu hết các bộ phim thành công, tạo được dấu ấn với khán giả dù đều do các đạo diễn, diễn viên Việt Nam thực hiện, thậm chí bối cảnh cũng tại Việt Nam… nhưng kịch bản lại “vay mượn” của nước ngoài.
Có thể kể đến các bộ phim chiếu rạp như: Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Sắc đẹp ngàn cân, Chìa khóa trăm tỷ, Nghề siêu dễ, Dân chơi không sợ con rơi… Hay các bộ phim truyền hình như Hành trình công lý, Hương vị tình thân, Gạo nếp gạo tẻ…
Việc xuất hiện các bộ phim Việt hóa không còn xa lạ với khán giả, thậm chí đang trở thành một trào lưu, “chỗ dựa” của nhiều đơn vị sản xuất trong nhiều năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xét về giá trị kinh tế thì việc sử dụng các kịch bản nước ngoài rồi “Việt hóa” giúp nhiều nhà làm phim lợi cả “đôi đường”.
Theo tiết lộ của một nhà sản xuất phim, nếu một kịch bản phim điện ảnh trong nước có giá trung bình 200-300 triệu đồng (riêng những biên kịch uy tín có thể nhận 300-400 triệu đồng, cá biệt có kịch bản chất lượng cao được trả tới 500-600 triệu đồng) thì bản quyền một kịch bản phim nước ngoài chỉ có giá dao động trên dưới 100 triệu đồng. Phần chi phí phát sinh cho biên kịch trong nước khi chuyển thể sang bản tiếng Việt cũng không quá tốn kém. Với phim truyền hình, tuy chi phí mua bản quyền kịch bản nước ngoài cao hơn (trung bình từ một đến 5.000USD/tập so với 10-15 triệu đồng/tập cho kịch bản trong nước) nhưng nhà đài vẫn ưu tiên đầu tư cho hình thức này vì xác suất an toàn cùng khả năng thu hồi vốn, có lãi thường khá cao.
Có thể nói sự bùng nổ của dòng phim Việt hóa trong thời gian qua đã tạo ra một “làn gió mới” cho điện ảnh Việt Nam. Thế nhưng từ đó cũng đặt ra câu hỏi: Các nhà viết kịch bản phim của Việt Nam hiện đang ở đâu? Bao giờ phim Việt mới thoát khỏi tình trạng phải đi vay mượn kịch bản của nước ngoài, trở thành cái bóng của điện ảnh quốc tế?
Vượt qua chính mình
Câu chuyện thiếu kịch bản từ lâu đã là bài toán nan giải của nền điện ảnh Việt Nam. Việc tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác kịch bản cho phim Việt Nam dù được phát động khá mạnh mẽ nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên không có được những sản phẩm chất lượng. Thậm chí, dù vẫn có những khóa học ngắn hạn do các đạo diễn tổ chức, hay các cuộc thi tìm kiếm nhà biên kịch tài năng mở ra, nhưng vẫn còn khoảng trống lớn. Các nhà làm phim như Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn đều thừa nhận, điện ảnh Việt Nam đang thiếu những kịch bản gốc chất lượng và nguồn cơn sâu xa là do lực lượng biên kịch còn thiếu và yếu về kỹ năng xây dựng kịch bản, vốn sống, tầm nhìn.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định, vấn đề gốc của điện ảnh Việt Nam là cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tác giả, biên kịch ở cả trong nước và nước ngoài, để có được đội ngũ đông đảo, cập nhật với thị trường điện ảnh quốc tế, từ đó đưa điện ảnh Việt Nam vươn lên, thoát dần sự phụ thuộc vào kịch bản nước ngoài.
Không chỉ thiếu, mà vấn đề của kịch bản phim Việt còn ẩn chứa những câu chuyện buồn. Thời gian qua, nhiều đơn vị sản xuất đã khá mạnh dạn đưa các kịch bản thuần Việt lên màn ảnh nhưng kết quả thu về không như mong đợi. Đơn cử như phim điện ảnh chiếu rạp là hàng loạt tác phẩm phải chịu thất bại “thảm hại” về doanh thu, chưa kể là những hàng loạt chỉ trích của khán giả về nội dung.
Có thể kể đến những con số về doanh thu “đáng buồn” như bộ phim Duyên ma 6,6 tỷ đồng, Người tình 1,1 tỷ đồng, 578: Phát đạn của kẻ điên hơn 3,5 tỷ đồng, Người lắng nghe 2,2 tỷ đồng, Maika - cô bé đến từ hành tinh khác 4,7 tỷ đồng, Qua bển làm chi 940 triệu đồng, Mưu kế thượng lưu 1 tỷ đồng...
Sắp tới đây, một dự án phim mang thương hiệu Việt là “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sẽ ra mắt khán giả. Dù tháng 10 này mới chính thức xuất hiện trên thị trường nhưng bộ phim cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. “Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi dù quy tụ dàn diễn viên tài năng, được thực hiện bởi một đạo diễn tài năng nhưng không khỏi chịu áp lực bởi thành công của phiên bản phim truyền hình “Đất phương Nam” trước đó đã lấy không ít nước mắt của khán giả. Không những vậy, “Đất rừng phương Nam” cũng đứng trước nhiều rủi ro bởi cho dù có được đầu tư bao nhiêu tiền, bối cảnh hoành tráng thế nào thì sự thành bại của phim vẫn do khán giả quyết định.