Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam và đặc biệt, khoảng 300 bộ phim được lưu giữ ở đây bị bỏ mặc cho hỏng đang gây sự chú ý của dư luận. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam; kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2023. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải (Hãng phim Truyện Việt Nam).
PV: Mặc dù đã kéo dài 7 năm nhưng số phận và tương lai của Hãng phim Truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Gần đây câu chuyện khoảng 300 bộ phim đang được lưu giữ ở đây bị bỏ mặc cho hỏng cũng gây xôn xao dư luận. Là người gắn bó với Hãng phim, ông có thể giải thích rõ hơn về câu chuyện này?
ĐẠO DIỄN - NSƯT BÙI TRUNG HẢI: Gần 300 bộ phim bị hỏng khiến nghệ sĩ chúng tôi ai cũng đau xót. Gửi đơn kiến nghị lên Bộ VHTTDL mới đây, chúng tôi đã giải thích: Những bản phim dương bản gốc (positive) này, trong chuyên môn điện ảnh, chính là bản gốc, và là một trong hai bản gốc còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Dạng bản phim positive gốc chính là tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng thưởng thức. Ngoài ra, khác với ở Việt Nam, trên thế giới người ta vẫn sử dụng rộng rãi phim nhựa song song với phim kỹ thuật số, các liên hoan phim (LHP), sự kiện điện ảnh lớn quốc tế luôn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Như vậy, khoảng 300 bản phim nhựa ở Hãng phim Truyện Việt Nam bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bản phim này đều có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế. Vì vậy, tổn thất của việc hỏng 300 bản phim positive xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết về nghề nghiệp điện ảnh của Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso - đơn vị mua lại Hãng phim Truyện Việt Nam hồi tháng 6/2017) là rất lớn.
Vậy bây giờ, mong muốn lớn nhất của ông là gì?
- Với tư cách là đạo diễn của Hãng thì tôi cũng như các nghệ sĩ khác đều mong muốn vấn đề cổ phần hóa sớm được giải quyết triệt để, tạo ra bước ngoặt để Hãng phim truyện được củng cố, phát triển và tiếp tục phát huy truyền thống làm phim trong giai đoạn mới. Tất nhiên sau đó phải có những sự điều chỉnh trong cách làm phim, trong cách quản lý để sản xuất được những bộ phim vừa có giá trị nghệ thuật cao và vừa có đông khán giả, tạo ra doanh thu lớn. Lúc này anh em văn nghệ sĩ, nhân viên của Hãng đều đang chờ đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh về hướng phát triển của Hãng phim sẽ ra sao. Chúng tôi tin tưởng với thông báo mới đây của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao cho Bộ VHTTDL nhiệm vụ phải đưa ra phương án để củng cố và phát triển Hãng phim Truyện Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sau ngày 25/4 mọi việc sẽ được khép lại một cách tốt đẹp và Nhà nước có được phương hướng phát triển mới cho Hãng phim truyện trong giai đoạn mới.
Có thể thấy, trong quá khứ, điện ảnh của chúng ta đã từng đạt những thành tựu ở cả trong nước và quốc tế. Còn hiện nay thì sao, thưa ông?
- Có thể nói Hãng phim Truyện Việt Nam đã có trên 60 năm lịch sử, với những thành tích đáng tự hào, rất nhiều giải thưởng tại các LHP hàng đầu thế giới như LHP Moscow, LHP Carlovy Vary và các LHP quốc tế khác. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ, không rõ ràng trong quá trình cổ phần hóa, và nhiều nguyên nhân khác đang cần làm rõ thêm… đã đẩy cơ sở này vào tình huống bị bế tắc, hoàn toàn tê liệt không sản xuất phim trong 6-7 năm qua. Các nhà làm phim và các cán bộ kỹ thuật, công nhân viên bị rơi vào tình trạng không lương, không việc làm, không bảo hiểm từ năm 2018, chỉ một năm sau cổ phần hóa. Tôi cho rằng, điều này chắc chắn đi ngược lại hoàn toàn với chính sách về phát triển văn hóa của Nhà nước. Về nguyên tắc, sự phát triển chỉ có được khi chúng ta biết bảo vệ, phát triển truyền thống đã có, khi không giữ được thành tựu đã có thì cũng khó lòng phát triển được trong tương lai.
Từng có ý kiến cho rằng Hãng phim Truyện Việt Nam bị lỗ tiền tỉ trong nhiều năm nên khó có thể tồn tại trong cơ chế thị trường dẫn tới cần thiết phải cổ phần hóa, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi nghĩ số tiền khoảng trên 30 tỉ đồng được cho là lỗ trong khoảng 10 năm (2004-2014) trước khi Hãng phim cổ phần hóa cũng là một phần của quan điểm đó. Nhưng theo tôi, về nguyên tắc, sự việc đó là hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Bởi việc đặt hàng cho phim của Nhà nước với mục đích làm nhiệm vụ chính trị: phim miền núi, phim thiếu nhi, phim đề tài chiến tranh, cách mạng… đều là những đề tài tương đối kén khán giả thì lỗ cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề theo một cách khác: nhiều phim của tư nhân sản xuất, dù có mục đích, đề tài được coi là theo định hướng thị trường cũng vẫn có thể có những mức lỗ rất lớn. Ví dụ: Trong năm 2022, có phim đầu tư tới 60 tỉ đồng nhưng cũng chỉ thu về 3 tỉ đồng. Khá nhiều phim tư nhân cũng ở mức độ lỗ lớn tương tự trong năm 2022. Ở đây tôi không nói về chất lượng phim mà chỉ nói về con số doanh thu. Khi đó họ sẽ không giải tán cơ sở làm phim của họ mà sẽ có những điều chỉnh để hướng tới những thành công lớn hơn về doanh thu của các phim khác trong tương lai. Thế thì với Hãng phim Truyện Việt Nam, tại sao trong 10 năm lỗ khoảng trên 30 tỉ đồng thì lại bị chuyển theo một hướng cổ phần hóa, dẫn đến sự suy tàn của cả một cơ sở làm phim rất chuyên nghiệp. Trong khi đáng lẽ chúng ta chỉ cần điều chỉnh phương pháp, quan niệm làm phim, vì anh em trong hãng đều là những người có tay nghề, chuyên môn cao, và rất giàu kinh nghiệm, từng làm rất nhiều phim có giá trị về mặt chuyên môn. Tôi nghĩ họ có đủ khả năng để thích ứng với định hướng làm phim mới, tạo ra những bộ phim vừa ăn khách vừa có giá trị nghệ thuật. Tôi nói như thế cũng có nghĩa là tới đây, nếu được giải phóng khỏi Vivaso thì cách làm phim của Hãng phim Truyện Việt Nam cũng sẽ buộc phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Điện ảnh ngày nay cũng được coi là nền công nghiệp đầy sức mạnh với tiềm năng kinh tế to lớn với khả năng tiếp cận công chúng rất cao. Theo ông, cần có chiến lược như thế nào để phát triển nền điện ảnh trong tương lai?
- Tôi cho rằng, những biện pháp mang tính chiến lược hữu hiệu đã góp phần làm phát triển điện ảnh của hai nước đang có nền điện ảnh phát triển hàng đầu thế giới là Hàn Quốc và Pháp. Trong đó có rất nhiều điều chúng ta có thể tham khảo, học hỏi như: quan niệm, đường lối chiến lược phát triển điện ảnh, các phương pháp khác nhau để nâng cao sức cạnh tranh của điện ảnh dân tộc thông qua xuất nhập khẩu phim, phát hành phim, sự thông thoáng trong kiểm duyệt với những điều luật cụ thể, mang định tính, định lượng rõ ràng, đặc biệt là các cách tổ chức các Quỹ Điện ảnh tầm cỡ quốc gia, nguồn kinh phí… Điểm chung nổi bật là sự quan tâm rất lớn của các quốc gia này cho sự phát triển nền điện ảnh dân tộc, họ đã thành công trong việc làm điện ảnh trở thành một nền công nghiệp văn hóa vừa đem lại giá trị nghệ thuật vừa là nguồn thu rất lớn cho ngân sách quốc gia. Đồng thời, ở mức độ cao hơn, họ hiểu rằng: văn hóa, đặc biệt là điện ảnh sẽ tạo ra một “sức manh mềm” thu hút ở tầm quốc tế, góp phần thúc đẩy người nước ngoài mua các sản phẩm từ công nghệ đến tiêu dùng của quốc gia mình một cách mạnh mẽ.
Cụ thể, ở thời điểm hiện nay, theo ông, chúng ta cần lưu ý vấn đề gì để có thể tạo lối đi cho điện ảnh Việt Nam?
- Theo tôi điều đầu tiên là nhà nước cần phát triển và công bố một chiến lược phát triển điện ảnh toàn diện. Nó sẽ như kim chỉ nam cho hoạt động điện ảnh của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới đây. Trong đó cũng cần xác định rõ các nền tảng ủng hộ của nhà nước đối với điện ảnh dân tộc, đặt mục tiêu vươn tới những thành tựu lớn hơn về nghệ thuật cũng như doanh thu, không chỉ trong nước mà ở cả thị trường quốc tế. Chiến lược nên đi kèm với những biện pháp cụ thể, rõ ràng về sự hỗ trợ, nguồn kinh phí cho điện ảnh. Sự hỗ trợ này cần dành cho cả hệ thống phim Nhà nước và tư nhân. Chúng ta có thể học hỏi nhiều từ chiến lược phát triển điện ảnh thành công của Hàn Quốc và Pháp, từ đó xây dựng đường lối phát triển cho riêng mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ở thời điểm này chúng ta cần thiết phải học hỏi từ phương pháp làm phim mang tính công nghiệp cao của điện ảnh Mỹ, là một nền điện ảnh hiện đại và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay. Chúng ta có thể đồng thời cử người sang Mỹ học và đồng thời mời các chuyên gia, nghệ sĩ điện ảnh Mỹ sang giảng dạy, tôi nghĩ sẽ tạo ra lực đẩy tốt cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Mặt khác, trong môi trường cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu thì các nhà quản lý cũng nên khuyến khích các góc nhìn mới của các nhà làm phim, nới rộng kiểm duyệt, tạo thêm tự do trong sáng tạo để tăng tính cạnh tranh cho phim Việt Nam.