Ngày 17/3, tại khu Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức diễn tập thực địa công tác xử lý ổ dịch trên gia cầm mắc bệnh cúm A(H7N9) và cúm gia cầm động lực cao lây sang người.
Diễn tập phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Lạng Sơn, ngày 17/3 (Ảnh: TTXVN).
Mục đích của cuộc diễn tập, theo Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập liên ngành tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Toàn, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn không để dịch xâm nhập, bùng phát tại Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.
Qua đó sẽ đánh giá được thực trạng, năng lực ứng phó dịch bệnh trên người cũng như trên gia cầm, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch.
Từ đó, các nhân viên y tế, thú y được củng cố kỹ năng điều tra, giám sát, xử lý tình huống xuất hiện trường hợp nghi ngờ mắc cúm A(H7N9); nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn sinh học, năng lực lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị.
Theo tình huống giả định, các cơ quan chức năng phát hiện virus cúm A(H7N9) trên đàn gia cầm nuôi và nghi có ca bệnh cúm A(H7N9) trên người. Do vậy Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc phải tập trung công tác thu dung, điều trị người bệnh vào khu cách ly của tỉnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng; Trạm thú y huyện Cao Lộc xử lý ổ dịch trên gia cầm mắc bệnh cúm A(H7N9) tại địa bàn thị trấn Đồng Đăng. Các lực lượng khác như Công an, Biên phòng… phối hợp đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo diễn tập Liễu Văn Chiến cho biết: Cao Lộc là huyện biên giới trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn, có 6 xã và 1 thị trấn biên giới với trên 74km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc và cũng là địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có buôn lậu gia cầm qua địa bàn. Do vậy Cao Lộc được xác định là một trong những địa bàn có nguy cơ cao về lây nhiễm cúm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Sau khi thị trấn Đồng Đăng được lựa chọn làm địa điểm tổ chức diễn tập phòng chống dịch cúm A(H7N9) và cúm động lực cao lây sang người, UBND huyện Cao Lộc đã xây dựng các kế hoạch, thành lập Ban tổ chức chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị mọi điều kiện cho buổi diễn tập thành công tốt đẹp. Tại buổi diễn tập, các lực lượng đã thực hiện tốt vai trò của mình, đảm bảo đúng kịch bản diễn tập của Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh.
Thông qua cuộc diễn tập, góp phần tuyên truyền cho người dân trên địa bàn hiểu rõ và sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Từ đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy chính quyền, sự tham gia của các lực lượng, các ban ngành đoàn thể trong việc phối hợp phòng chống dịch cúm trên địa bàn được nâng cao, tạo sự đồng thuận cao trong việc phối hợp giữa địa phương, các ngành, lực lượng trong công tác chỉ đạo và thực hiện việc phòng chống dịch cúm A(H7N9).
Thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân không buôn bán, vận chuyển, sử dụng các sản phẩm gia cầm nhập lậu. Cùng với đó, các lực lượng chức năng của huyện thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra phòng dịch trên địa bàn; vì vậy, đến thời điểm hiện tại, mặc dù là địa bàn có nguy cơ cao nhưng không để xảy ra dịch bệnh.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc nên việc kiểm soát, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới là rất quan trọng, nhất là hiện nay virus cúm A/H7N9 lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không gây biểu hiện gì. Mục đích của buổi diễn tập là giúp chủ động chống dịch.
Nếu có dịch xảy ra thì lực lượng chức năng có thể thuần thục các biện pháp phòng chống vì cúm A/H7N9 lây truyền mạnh, nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu không thực hiện các thao tác thuần thục thì dịch bệnh sẽ lây sang chính những người đi dập dịch, rồi lây ra cộng đồng.
Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: Việt Nam đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người. Đối với cúm A(H5N1), trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017, không ghi nhận trường hợp mắc trên người. Tuy nhiên, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh sát Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9)”; ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng đáp ứng, xử lý khi có ổ dịch xảy ra; thường xuyên tổ chức họp Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) của Bộ Y tế. |