"Đừng đâm đầu vào các ngành hot khi điểm thi không cao", PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ với các thí sinh năm nay.
Năm 2021, Bộ GDĐT cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần với thời gian điều chỉnh là 10 ngày, dự kiến là từ 7/8 đến 17/8. PGS. TS Đỗ Văn Dũng lưu ý thí sinh phải cân nhắc kỹ việc sắp xếp nguyện vọng của mình.
"Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần hơn, nhưng đến lần thứ 3 thì phải cẩn trọng. Khi xác nhận hoàn tất việc điều chỉnh là không thể chỉnh sửa được nữa, vì vậy, thí sinh phải cân nhắc. Đừng làm sớm, khoảng thời gian suy nghĩ để sắp xếp nguyện vọng là rất nhiều, các em nên từ từ tính toán để đặt nguyện vọng", PGS TS Đỗ Văn Dũng nói.
3 nguyên tắc điều chỉnh nguyện vọng
- Theo lời khuyên của các chuyên gia, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích. Tránh trường hợp đỗ nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 nhưng lại muốn học ở trường đăng ký nguyện vọng 2 (lúc đó không thể được nữa vì hệ thống đã chốt nguyện vọng 1).
- Nên đăng kí ít nhất 1 nguyện vọng có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
- Chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp.
Thí sinh điểm cao đăng ký nguyện vọng thế nào?
Kinh nghiệm cho các thí sinh là dù điểm thi cao vẫn nên đăng ký nhiều nguyện vọng. Thí sinh có thể chọn đăng ký vào một ngành yêu thích của một trường bằng các tổ hợp khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển, bởi điểm trúng tuyển vào ngành ở các khối thi có thể có sự chênh lệch đáng kể. Hoặc đăng ký một ngành mình thích nhưng ở các trường khác nhau, sẽ có những chênh lệch điểm thi của từng trường.
Chọn ngành rồi mới chọn trường
ThS Ngô Trí Trung, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh, Sinh viên, Khoa Quốc tế (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận, đa phần học sinh thường bắt đầu với việc chọn trường ĐH trước rồi mới chọn ngành. Điều đó hơi ngược, bởi điều các bạn cần tìm hiểu đầu tiên đó chính là bản thân mình. Bởi nếu bạn không thực sự hiểu bản thân mình đang cần gì thì bạn sẽ không đủ sự kiên định để bước tiếp trên con đường mà mình lựa chọn.
Vì vậy, thí sinh nên bắt đầu với việc tìm hiểu rõ bản thân mình muốn gì, sau đó liên hệ điều đó với một ngành nghề cụ thể và bước cuối cùng là mới nên chọn trường đại học để giúp bản thân tiếp cận với ngành nghề đó.
Kinh nghiệm là ngoài việc lấy thông tin từ cán bộ tuyển sinh của trường, một kênh thông tin hữu hiệu khác, theo ông Trung, chính là những người làm trong ngành, là cựu sinh viên của trường. Đây đều là những chia sẻ chân thật nhất về trường.