Chiều 14/3, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các đơn vị liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND TP Hà Nội về văn bản 932 gây tranh cãi thời gian qua. Các bên đã thống nhất sửa văn bản này.
Ngay sau đó Sở Giáo dục Hà Nội đã ra văn bản 1026 về “Tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục, giai đoạn 2016-2020”, thay thế cho văn bản số 932. Được biết, lý do sửa được nêu là để thống nhất việc triển khai theo đúng quy định tại các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và văn bản pháp luật liên quan.
Theo đó, văn bản 1026 giữ nguyên quy định về thời gian thực hiện, chỉ tiêu, nội dung thi đua... Riêng quy định xử lý, kỷ luật học sinh vi phạm giao thông được sửa theo hướng áp dụng thông tư 12 năm 2011 của Bộ Giáo dục về ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; thông tư 58 năm 2011 về đánh giá xếp loại học sinh. Quy định “đình chỉ học một tuần với học sinh vi phạm giao thông nhiều lần” không còn được nhắc tới.
Cách đây đúng một tuần, ngày 7/3, Sở Giáo dục Hà Nội ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Trong đó có quy định học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương cư trú.
Trường hợp được giáo dục nhưng tái phạm sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý.
Quy định đình chỉ học một tuần được coi là một biện pháp mạnh không chỉ răn đe học sinh mà còn kêu gọi nỗ lực hợp tác của phụ huynh. Tuy nhiên, ngay khi đưa ra, quy định đã không nhận được nhiều sự đồng tình và không ít ý kiến phản đối vì cho rằng quá nghiêm khắc.
Giới luật gia cho rằng quy định trái luật, Sở Giáo dục Hà Nội không có quyền buộc học sinh nghỉ học vì vi phạm giao thông. Trong khi đó nhiều hiệu trưởng ủng hộ bởi lâu nay các biện pháp giáo dục khác đã áp dụng song không phát huy hiệu quả.