Được coi là vùng trũng nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (thuộc 3 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An) luôn được coi là vựa lúa gạo, thuỷ sản, trái cây.
Tuy nhiên, vài tháng nay, người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn vì hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn với nồng độ cao khiến nhiều loài cây bị héo, chết. Thậm chí ngay cả khu Ramsar Láng Sen, một khu ngập nước được thế giới công nhận những ngày này cũng cạn nước.
Người dân Long An bơm nước trên kênh khô cạn.
Cây trồng héo úa, thuỷ sản chết mòn
Nhìn chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch 8 công lúa, ông Võ Văn Bá, một nông dân ở xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hoá, Long An) thở dài ngao ngán: Năm nay hạn hán đến sớm hơn mọi năm. Đợt mưa gần nhất là từ hồi tháng 11/2019. Vậy là đã hơn 4 tháng trời khu vực này không có mưa. Năng suất lúa giảm chỉ còn khoảng 70% so với mọi năm. Với những nông dân như ông Bá, năng suất lúa giảm kéo theo rất nhiều lo lắng, cho một năm dài phía trước. Đặc biệt kế hoạch tiếp tục gieo trồng cho vụ tới vẫn còn mờ mịt,
Ở khu vực Đồng Tháp Mười này không chỉ riêng gia đình ông Bá mà hầu hết các gia đình đều chịu thiệt hại từ hạn hán. Từ người trồng lúa, trồng chanh, trồng mít nghệ, thanh long… Trong đó nhiều loại cây gần như mất trắng vì hạn hán kéo dài. Điển hình trong số đó là những hộ dân trồng thanh long. Đây là loài cây mới được trồng ở vùng Đồng Tháp Mười chừng 3-4 năm nay. Do năng suất cao, bán được giá nên nhiều hộ dân đầu tư trồng thanh long. So với nông dân ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) hay Châu Thành, Thủ Thừa (Long An) thì người trồng thanh long vùng Đồng Tháp Mười phải đầu tư nhiều hơn. Bởi khu vực này trũng, chỉ có khoảng 3 tháng mùa nước nổi nên để trồng được thanh long phải đầu tư đắp đê quanh ruộng. Nhưng nếu thanh long cho trái, thương lái thu mua đều đặn thì nông dân vẫn có lời. Tuy nhiên, do từ tết đến nay, nguồn nước ngọt khan hiếm cùng với giá thanh long giảm mạnh nên nhiều hộ dân ở Thạnh Hoá, Tân Thạnh quyết định bỏ hoang. Bởi nếu đầu tư tiền mua nước ngọt, tiền thuê công nhân chăm sóc trái, hái trái thì sẽ càng thua lỗ.
Nhưng thiệt hại lớn nhất với người dân vùng này vẫn là các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Do xâm nhập mặn ở mức cao và kéo dài, nguồn nước tự nhiên gần như không thể duy trì trong khi mua nước dự trữ vô cùng đắt đỏ. Vì thế, nhiều nông dân thả nuôi tôm thẻ, nuôi cá điêu hồng, rô phi hay ếch Indo đều phải thay đổi kế hoạch. Đặc biệt, khu vực được coi là trũng thấp nhất của Đồng Tháp Mười, khu Ramsar Láng Sen (Vĩnh Hưng, Long An) quanh năm ngập nước thì nay cũng cạn khô.
Diễn biến phức tạp
Tuy nhiên, theo nhiều người những gì đã diễn ra chưa phải là kết thúc bởi đợt hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn kéo dài với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng. Theo đó, độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây, con sông điều tiết gần như nước toàn bộ khu vực Đồng Tháp Mười là 0,76% ở Tân An (cách cửa biển 75km) và 0,4% ở Thạnh Hoá (cách cửa biển 110km). Với độ mặn này, các chuyên gia khuyến cao người dân không sử dụng nước để tưới cây vì sẽ khiến cây chết dần.
Trong khi đó, tại Long An, tổng diện tích lúa Đông Xuân 2020 của tỉnh đã gieo sạ trên 226.000 ha. Với tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp như hiện nay, ước tính có có trên 15.000 ha lúa và trên 11.000 ha rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn, thiếu nước sản xuất. Tỉnh này đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020.
Còn đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mấy tháng qua. Thời gian qua, hàng loạt các biện pháp được gấp rút triển khai, như nạo vét, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh nội đồng để trữ nước ngọt; sửa chữa hệ thống cống, đắp tất cả đập ngăn mặn; vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi; bố trí điểm cấp nước sạch cho dân... Đặc biệt, thành lập 185 điểm bơm chuyền trữ nước ngọt với quy mô 506 máy bơm công suất lớn phục vụ sản xuất…
Và cho đến ngày 6/3, hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016. Đã có 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, trong tháng 3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Từ ngày 7 đến ngày 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trong khi đó, sông Hàm Luông, nước mặn 4 phần nghìn xâm nhập 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62-65 km tại sông Cái Lớn.