Trái ngược với những đỉnh cao mới của thị trường vàng, thị trường chứng khoán đang chứng kiến cảnh rung lắc. Các thông tin tiêu cực, tâm lý bất ổn của nhà đầu tư, cùng với lo lắng dịch Covid-19 quay trở lại đã khiến cho thị trường chứng khoán trong nước chao đảo.
Nhà đầu tư đứng ngoài quan sát
3 chỉ số chính sàn chứng khoán Mỹ đều tăng nhẹ có lẽ đã tác động tích cực lên chứng khoán Việt Nam đầu giờ sáng ngày 30/7. Thị trường bước vào phiên giao dịch sáng xuất hiện lực mua, nhờ vậy, chi số VN-Index được hỗ trợ nhẹ tăng hơn 10 điểm lên trên 800 điểm. Tuy nhiên thanh khoản thị trường lại chậm. Nhiều nhà đầu tư đứng ngoài quan sát và không dám xuống tiền khi các thông tin không tốt lành vẫn bủa vây. Dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 30/7, nhóm cổ phiếu ngành dược được chú ý nhiều. TRA của Công ty cổ phần Traphaco và IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm đều tăng trên 3%, lần lượt khớp lệnh tại 56.800 đồng và 42.900 đồng. Các mã khác trong nhóm này như DHT, DVN, DMC tăng từ 0,5-2% so với tham chiếu.
Tuy nhiên nếu so với độ mất sức hôm 27/7, thì mức độ hồi phục không đáng là bao. Bởi chỉ trong ngày 27/7, dòng tháo từ nhà đầu tư trải dài từ đầu phiên đến cuối phiên. Các chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều để mất hơn 5%, vốn hóa toàn thị trường cũng bốc hơi 8,5 tỉ đô la – một con số đáng báo động.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 223 mã tăng và 113 mã giảm, VN-Index tăng 7,24 điểm (+0,92%), lên 798,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 104 triệu đơn vị, giá trị 1.657,4 tỷ đồng, giảm 56% về giá trị và 52% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,19 triệu đơn vị, giá trị 340,22 tỷ đồng.
Còn sàn HNX có 49 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,71%), lên 107,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,67 triệu đơn vị, giá trị 146,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 7,15 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nhanh tay bán chốt chặn. Khối ngoại vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán ròng, quan điểm “hồi là bán” được thể hiện rõ ràng và nhất quán ngay các phiên giao dịch gần đây và ngay trong sáng ngày 30/7. Cụ thể giá trị bán ra đã hơn khoảng 100 tỷ đồng, trong khi mua vào khoảng 85 tỷ đồng. Các cổ phiếu đang được giao dịch mạnh là HPG, VCB, VNM, HCM..
Mất điểm, hàng ngàn tỷ đồng vốn hoá bị bay trên sàn chứng khoán là những điều nhà đầu tư không mong muốn nhưng vẫn phải chứng kiến. Nhiều so sánh ví von đã được đưa ra ở thị trường này, rằng, tăng điểm thi ít mất điểm thì nhiều. Chỉ với hai phiên giao dịch ngày 27 và 28, mà thị trường đã mất 70 điểm gây ra nỗi sợ cho một số nhà đầu tư.
Diễn biến trong xu hướng thận trọng
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia khi nói về thị trường chứng khoán. Với triển vọng không mấy khả quan khi tình hình hoạt động của doanh nghiệp thời gian tới đã và sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn.
CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra lời khuyên chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp tăng điểm để bán, giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.
Trong khi đó theo Công ty Chứng khoán BSC, tính đến cuối tuần trước đã có khoảng 47,6% doanh nghiệp trên cả hai sàn chứng khoán, công bố kết quả kinh doanh quý 2 với tổng mức lợi nhuận sau thuế đạt 23.867 tỉ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 86,4% số công ty công bố lợi nhuận quý 2 tăng trưởng dương và 49,4% số công ty lãi so với cùng kỳ. Tuy nhiên kết quả kinh doanh không đủ sức gỡ gạc lại các thông tin khác, đặc biệt là việc lo ngại tái bùng phát dịch Covid 19, khiến cho cộng đồng doanh nghiệp co cụm kinh doanh. Có thể nói tâm lý nhà đầu tư vẫn đang phụ thuộc nhiều vào mức độ không chế dịch bệnh từ các cơ quan chức năng.
Giới chuyên gia nhìn nhận, điều quan trọng hơn là thị trường đang ở thời điểm trồi sụt với biên độ cực mạnh do thông tin chi phối. Không thể dự đoán được thị trường sẽ phản ứng như thế nào vì các thông tin vẫn còn ở phía trước.
Ở một diễn biến khác, các tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu tiếp tục duy trì đà tăng, đây vẫn là kênh hút dòng tiền đầu cơ trên toàn cầu ở thời điểm này. Do đó, rủi ro vẫn còn đó trên thị trường chứng khoán.
Ngày 30/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 227 triệu cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) từ ngày 5/08. Nguyên nhân hủy niêm yết là HVG đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE, hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Trước đó, giữa tháng 4/2020, HOSE đã có công văn nhắc nhở HVG về việc chậm công bố BCTC riêng và hợp nhất quý 1/2020. Để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, đến giữa tháng 5, HOSE đã có công văn nhắc lần thứ 3 và đề nghị Công ty khẩn trương công bố thông tin. Tuy nhiên, đến nay, HVG vẫn chưa công bố 2 báo cáo này.