Ngày 27/7, thị trường chứng khoán đã chứng kiến cảnh đỏ sàn, bán tháo sau thông tin Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng sau gần 100 ngày chống dịch thường xuyên. Tâm lý nhà đầu tư bất an, không tích cực.
Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử khiến VN-Index mất điểm mạnh. Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 365 mã giảm (trong đó có 87 mã nằm sàn) và chỉ 25 mã tăng, VN-Index giảm 39,78 điểm (-4,8%), xuống 789,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 262,45 triệu đơn vị, giá trị 3.871,59 tỷ đồng, tăng 34,75% về khối lượng và 24,75% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (24/7).
Sang phiên chiều, thị trường cũng không thể khá hơn mặc dù đà giảm đã được thu hẹp dần. Xét ở lực mua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng khi nhà đầu tư trong nước tháo chạy. Tính ra khối ngoại mua vào gần 456 tỷ đồng trên HoSE trong khi bán ra hơn 273 tỷ. Tổng giá trị mua ròng đạt gần 200 tỷ đồng. Đóng cửa, sàn HOSE chỉ còn 33 mã tăng và có tới 377 mã giảm (trong đó 152 mã giảm sàn), VN-Index giảm mạnh 43,99 điểm (-5,31%), xuống 785,17 điểm.
Theo phân tích thị trường giảm điểm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là việc thị trường đón nhận những thông tin dịch bệnh có thể quay trở lại Việt Nam. Điều này đã làm cho tâm lý nhà đầu tư lo ngại về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở thì tương lai. Gây áp lực lên kinh tế. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng chốt lời ngắn hạn với các mã cổ phiếu tăng điểm trong thời gian qua.
Ở một góc độ khác, một số nhà đầu tư có chút tiền nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng chờ thời, nhưng sau một thời gian vẫn không thấy tăng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng giá không bứt phá nổi.
Dành dụm được ít tiền, chị T đầu tư vào cổ phiếu để hi vọng hàng tháng có tiền lãi. Thế nhưng, từ hôm đổ 40 triệu đồng vào chứng khoán để mua một số cổ phiếu ngân hàng, chị T vẫn trong cảnh chờ và chờ. Chị cho biết đầu tư một ít cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, một ít của ngân hàng Kiên Long...Và những mã cổ phiếu này đến nay giá vẫn mãi đì đẹt.
Cụ thể, sau gần 3 năm niêm yết trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đến nay chỉ dao động quanh mức 9.000 - 10.000 đồng/cp. Điều đáng nói, tại đại hội đồng cổ đông năm 2020, cổ đông của Kienlongbank đã thông qua qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với con số đạt được năm 2019.
Trước đó, kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2018 và chỉ hoàn thành 28% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số nhà phân tích, dù kết quả kinh doanh được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhưng con đường “vượt mệnh” của cổ phiếu KLB sẽ không dễ dàng trong năm 2020 bởi nợ xấu vẫn đang là “điểm yếu” cốt lõi của nhà băng này.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Kienlongbank cho thấy, nợ nhóm 5 của ngân hàng tăng vọt 1.888 tỷ đồng, tương đương tăng 790%. Nợ xấu nội bảng tăng 1.898 tỷ đồng, tương đương tăng 555%. Tỷ lệ nợ xấu tăng phi mã từ 1,02% lên đến 6,62%.
Nợ xấu cao, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 69 tỷ đồng. Đó là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 57 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu của Ngân hàng Quốc dân (mã NVB) cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi được niêm yết trên trên HNX vào năm 2010, giá cổ phiếu của NVB là 11.900 đồng/cp vậy mà, đến nay giá càng thụt lùi, liên tục đi xuống loanh quanh mốc 10.000 đồng/cp.
Theo nhìn nhận, cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường. Với đặc thù của ngành, những tác động từ cổ đông, lãi suất, chi phí trích lập dự phòng và đặc biệt là nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp tới thị giá cổ phiếu ngành này.
Thống kê cho biết, hiện có 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư chứng khoán cũng cho biết, cổ phiếu ngân hàng rủi ro rất cao. Muốn đầu tư phải cân nhắc rất kỹ vì cổ phiếu ngân hàng đã trải qua thời kỳ tăng giá.