Song song với việc thực hiện cách ly F1 tại nhà, các chuyên gia đánh giá cao giải pháp cho F0 nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly tại nhà. Từ đó bệnh viện có thêm nhân lực, vật lực tập trung điều trị cho các ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch khác.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng hơn 80% người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những trường hợp này thường không cần can thiệp y tế mà chỉ cần theo dõi diễn biến sức khỏe.
Trong khi đó, hiện nay, việc theo dõi điều trị F0 đang phải huy động nhiều nhân lực, vật lực. Từ phòng bệnh, giường bệnh phải được thiết kế riêng, đạt chuẩn cách ly, nhân viên y tế chăm sóc người dương tính SARS-CoV-2 cũng phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, thiết bị bảo hộ. Chưa kể cơ sở y tế điều trị F0 phải hỗ trợ ăn uống, vận chuyển nhu yếu phẩm từ gia đình người bệnh…
Ông Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa Medic TP HCM khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng ý việc cho F0 cách ly và điều trị tại nhà, bởi khi chưa có triệu chứng thì không gọi là bệnh nhân được mà chỉ là nghi nhiễm thôi. Những người mới nhiễm có triệu chứng nhẹ nên để cho người ta tự cách ly và theo dõi tại nhà. Trường hợp cần mới can thiệp y tế”.
Cũng theo vị này, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không nhất thiết phải để họ ở trong căn phòng kín mít, giống như biệt giam. Chăm sóc hay điều trị người bệnh này cần cho họ có không gian, nắng gió để có sự thoải mái về tinh thần. Đây không phải là bệnh cực kỳ độc hại để cô lập một người.
Ông Phan Xuân Trung cho biết, cách ly F0 tại nhà là mô hình một số nước trên thế giới như Mỹ đã làm ngay từ đầu. Tại Việt Nam, đến lúc này cũng phải cách ly F0 tại nhà là phù hợp với thực tế và để bệnh viện tập trung vào các ca bệnh nặng.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cũng cho rằng, cách ly F0 tại nhà là tất yếu.
Cũng như F1, điều kiện cách ly tại nhà đối với F0 cần được quy định rõ ràng. Cách ly tại nhà phải đảm bảo có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Người bệnh phải có phương tiện giám sát để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và có lực lượng theo dõi sức khỏe, giám sát hàng ngày…
Ông Trương Hữu Khanh lưu ý về việc cách ly F0 tại nhà, khi F0 có biểu hiện bệnh nặng, bất thường về huyết áp như khó thở, nhịp tim thì cần báo ngay cán bộ y tế. Đội xe cấp cứu vận chuyển F0 đến cơ sở y tế điều trị cần được xây dựng sẵn sàng.
Sau khi được sự chấp thuận của ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế thành phố triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1, tối ngày 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký quyết định triển khai các biện pháp trên tại TP HCM.
Đối với F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà thì chuyển cách ly tập trung. Đồng thời thực hiện xét nghiệm Rt-PCR ngày 7, thay vì ngày 14 như trước đây.
Nếu âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi cư trú. Giao y tế địa phương theo dõi trường hợp F1 cách ly tại nhà nêu trên.
Đối với F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (không có khả năng lây nhiễm) thì chuyển về cách ly tại nhà, nếu đảm bảo điều kiện an toàn phong chống lây nhiễm.
Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, cho thí điểm áp dụng đối với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.
Theo đó, F0 này tự theo dõi sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. Các trường hợp F0 này được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc.
Quyết định cách ly F0 tại nhà của ngành y tế TP HCM được đưa ra trong bối cảnh, thành phố liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong ngày. Hiện nay, số ca nhiễm tại TP HCM lên hơn 17.200 trường hợp, tính từ ngày 27/4.