Ung thư phổi là bệnh lý ác tính của tế bào bắt nguồn từ phổi, thường là từ các tế bào trong đường hô hấp. Đây là một bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong các bệnh lý ung thư và có nguy cơ tử vong cao.
Đa số người bệnh khi nhận được kết quả mắc ung thư phổi đều suy sụp tinh thần, chán nản. Nhưng thực tế, ung thư phổi chưa phải là dấu chấm hết bởi đã có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Việc phát hiện sớm ung thư phổi rất quan trọng, giúp cho việc điều trị đạt được hiệu quả và giảm thiểu các tác dụng phụ.
Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với sự phát triển của y học hiện nay và những tiến bộ trong các biện pháp chẩn đoán, ung thư phổi hoàn toàn có thể phát hiện được từ giai đoạn sớm, khi những tổn thương, nốt mờ còn rất nhỏ. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn, triệt căn mà không cần phải hoá chất và xạ trị kết hợp. Thậm chí, một số bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn không mổ được cũng có những biện pháp điều trị, can thiệp để đạt được hiệu quả tối đa giống điều trị triệt căn.
“Tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian vừa qua đã phát hiện được rất nhiều các người bệnh ung thư phổi ở giai đoạn sớm, từ đó giúp ích trong việc điều trị và mang đến những hiệu quả tối ưu”, PGS. TS Giáp chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cũng chỉ ra: Ung thư phổi là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam và các nước trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện được sớm cho đến nay vẫn rất thấp. Dưới 10% người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ được phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số người bệnh được phát hiện khi đã có những tổn thương di căn, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, với mục tiêu không còn có thể điều trị khỏi được mà chỉ kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, khuyến cáo thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư phổi là rất cần thiết.
Trước đây, phác đồ điều trị người bệnh ung thư phổi chủ yếu tập trung bằng phẫu thuật, xạ trị, hoá trị. Tuỳ thuộc vào kích thước khối u, tình trạng và số lượng, vị trí hạch di căn, người bệnh ung thu phổi giai đoạn sớm sau khi phẫu thuật sẽ có các điều trị bổ trợ bằng hoá chất, xạ trị. Tuy nhiên, với các phác đồ điều trị bằng hoá chất thì hiệu quả với người bệnh ung thư phổi vẫn còn nhiều hạn chế. Có người bệnh sau một thời gian điều trị bằng phẫu thuật, có bổ trợ bằng hoá chất, xạ trị một thời gian vẫn xuất hiện tình trạng tái phát và di căn xa. Các tổn thương tái phát thường gặp tại chỗ hoặc di căn xa như di căn não, xương, gan. Do vậy, trong điều trị ung thư phổi vẫn cần có các phương pháp mới để giảm tỷ lệ tái phát của bệnh nhân.
Từ những năm 2000, việc nở rộ các tiến bộ trong xét nghiệm sinh học phân tử, giúp y học biết đến việc xét nghiệm đột biến gen (đột biến EGFR, ALK) để điều trị theo phương pháp điều trị đích hoặc điều trị bằng miễn dịch.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra: Đối với các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, cần được thực hiện thường quy xét nghiệm đột biến EGFR, ALK kể cả ở giai đoạn sớm hay giai đoạn di căn nhằm lập kế hoạch điều trị tối ưu nhất. Theo bác sĩ Phương, đối với điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm thì đầu tiên là phẫu thuật với mục tiêu triệt căn và phối hợp các biện pháp điều trị bổ trợ để giảm nguy cơ tái phát. Trong đó, điều trị bổ trợ với thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, thuốc nhắm đích EGFR, ALK trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm đã chứng minh được hiệu quả.
Tại Việt Nam, từ tháng 10/2022, thuốc đích thế hệ 3 Osimertinib đã được phê duyệt cho chỉ định điều trị bổ trợ bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ sau phẫu thuật, giai đoạn từ 1b đến 3a (giai đoạn đã điều trị phẫu thuật được, có thể điều trị bổ trợ bằng hoá trị hoặc không) có đột biến EGFR. Kết quả cho thấy điều trị bổ trợ với Osimertinib đạt được lợi ích giảm 83% nguy cơ tái phát và tử vong, đạt được lợi ích kéo dài thời gian sống không bệnh cho đến khi tái phát là 65,8 tháng. Osimetinib đã cho thấy giảm đến 51% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trên tất cả số bệnh nhân được nghiên cứu. Đồng thời Osimetinib cho thấy hiệu quả giảm 64% nguy cơ tái phát thần kinh trung ương hoặc tử vong. Thậm chí, đối với những bệnh nhân giai đoạn muộn đã có tổn thương di căn não, khi sử dụng Osimertinib cũng cho thấy những cải thiện được thời gian sống thêm toàn bộ và các tổn thương tại não, nguy cơ tái phát và tử vong giảm còn 76%.
“Tại Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng liệu pháp điều trị bổ trợ với Osimertinib và thấy hiệu quả, dung nạp tốt. Ngoài ra các thuốc đích khác như alectinib hay thuốc miễn dịch như atezolizumab, pembrolizumab cũng đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị bổ trợ sau phẫu thuật ung thư phổi không tế bào nhỏ” - PGS.TS Phương nhấn mạnh.
Từ thực tế lâm sàng của người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn 3 không mổ được, BSCKII Lê Viết Nam, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ung thư phổi phẫu thuật được thì tiên lượng điều trị rất tốt. Và với những tiến bộ trong điều trị bổ trợ đã góp phần cải thiện thời gian kiểm soát bệnh và tái phát của người bệnh.
Với xu hướng điều trị của y học hiện đại, điều trị cá thể hoá và thực tế điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, TS. BS Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, cũng đưa ra những khuyến cáo, chia sẻ về điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa có đột biến EGFR. “Thuốc ức chế thế hệ 3 là Osimertinib cho thấy ít tác dụng phụ hơn và mang lại hiệu quả tốt hơn so với các thuốc thế hế 1,2 đặc biệt trên nhóm bệnh nhân có di căn não”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng, chi phí điều trị với Osimertinib cực kỳ đắt đỏ là một khó khăn để nhiều người bệnh có thể tiếp cận được. Vì vậy trên mỗi đối tượng bệnh nhân cụ thể, cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố hiệu quả - tính an toàn - chi phí điều trị để lựa chọn liệu pháp tối ưu cho bệnh nhân.