Kinh tế

Định giá carbon - công cụ chuyển đổi xanh

NAM ANH 24/07/2024 11:32

Thuế carbon với hàng nhập khẩu là một công cụ chính sách mới mà Liên minh châu Âu (EU) là nơi đầu tiên thực hiện. Theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. CBAM bắt đầu từ ngày 1/10/2023 với giai đoạn chuyển tiếp và đến năm 2034 sẽ chính thức vận hành toàn bộ.

anh-bai-duoi.jpg
Đẩy mạnh thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: Nam Anh.

Hiện tại, đối tượng điều chỉnh ban đầu của CBAM là 6 mặt hàng: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Việc EU áp dụng CBAM, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là thép, nhôm, xi măng, phân bón. Song do ít số lượng mặt hàng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thấp nên bị tác động chưa lớn, ước tính sẽ giảm khoảng 100 triệu USD.

Theo báo cáo Đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và khuyến nghị về chính sách thuế carbon đối với Việt Nam do Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp thực hiện; thì giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của CBAM là Việt Nam cần đàm phán với các đối tác phát triển để cung cấp nghiên cứu sâu hơn về chuyển dịch năng lượng. Qua đó sẽ nhằm làm giảm cường độ phát thải của các hàng hóa phát thải cao, bao gồm cả các hàng hóa mà Việt Nam không xuất khẩu; xem xét hỗ trợ nghiên cứu sâu hơn và thu thập dữ liệu toàn diện về danh sách các mặt hàng khác nằm trong EU ETS trong tương lai gần (2 - 3 năm). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tham gia đàm phán với các đối tác thương mại chính của mình để ngăn chặn việc áp dụng CBAM bên ngoài EU.

Về mặt kỹ thuật, các tác giả của báo cáo khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm cường độ phát thải trong các ngành chịu CBAM. Kết quả khảo sát doanh nghiệp của nhóm nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về cường độ phát thải giữa mức trung bình của Việt Nam và toàn cầu cũng như giữa các doanh nghiệp của từng ngành riêng lẻ. Khảo sát cũng cho thấy khả năng cải thiện hiệu quả năng lượng vì các doanh nghiệp có cường độ phát thải cao có thể bắt kịp các doanh nghiệp cùng ngành. Do đó, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy tiến bộ công nghệ nhằm đạt hiệu quả tổng thể, tạo ra nhiều sản phẩm hơn trong khi sử dụng ít nguyên liệu đầu vào hơn. Theo tính toán của nhóm tác giả báo cáo, trong khoảng thời gian 10 năm kể từ năm 2026 đến năm 2035, quá trình chuyển dịch năng lượng trong ngành điện sẽ tạo ra lợi ích ước tính lần lượt là 209 triệu USD chỉ từ việc định giá carbon và 248 triệu USD từ việc áp dụng cả định giá carbon và CBAM.

Như vậy, việc áp dụng các chính sách định giá carbon sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là không chỉ giảm thiểu những tác động tiêu cực của CBAM mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đạt được các mục tiêu trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Net Zero cũng như nhiều lợi ích khác về môi trường, sức khỏe...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định giá carbon - công cụ chuyển đổi xanh