Căn cứ vào kết quả của Đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi toàn thành phố, Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam vừa lập bản đồ Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.
Bản đồ Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.
Việc nhận diện 98 di sản cần ưu tiên bảo vệ và gần 10 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp - được xem là một bước tiến trong việc định vị chính xác các di sản phi vật thể của Thủ đô.
Tiết kiệm mà hiệu quả
Cụ thể, bản đồ di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội sẽ phản ánh hiện trạng toàn bộ 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Bản đồ có kết cấu 3 phần cơ bản: Phần đầu là thể lệ Atlas trình bày tổng quan về các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, tiêu chí để các di sản được xác định là di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ, điều kiện để các di sản được xác định là ưu tiên bảo vệ khẩn cấp...;
Phần hai là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội với các hình ảnh, điểm xuyết, chú giải cơ bản về các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh gồm: Hội Gióng, Ca trù, Kéo co ngồi, Kéo mỏ và một số di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Phần ba là đóng góp quan trọng nhất của cuốn Atlas với những tấm bản đồ tỷ lệ 1:10000 về hiện trạng các di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ trên địa bàn TP Hà Nội, bản đồ hiện trạng các di sản văn hóa phi vật thể từng quận, huyện, thị xã ở Thủ đô...
Bên cạnh đó, PGS TS Nguyễn Văn Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa - đơn vị thực hiện số hóa bản đồ di sản cho biết: “Việc lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể không quá tốn kém. Bởi vì bản đồ lập ra dựa trên số liệu, thông tin của Đề án tổng kiểm kê đã thực hiện từ trước.
Tập đồ này có thể coi là cách phát huy giá trị của Đề án, khiến Đề án không chỉ là những báo cáo thống kê hay những danh mục”. Cũng theo ông Huy việc lập bản đồ cũng chỉ là một nhánh của hàng trăm công việc tiếp theo để phát huy Đề án tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội. Thông qua một mặt giấy, các chuyên gia, thậm chí là người có thể thấy được toàn bộ các di sản phi vật thể của Hà Nội đã được thống kê.
Ngoài ra, Bản đồ này giúp cho Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được khai thác thêm ở nhiều khía cạnh để cho công tác quản lý nhà nước và văn hóa ở các cấp ngày càng sâu sát, nhận nhận thức giá trị văn hóa phi vật thể ngày càng sâu sắc. Qua đây, có thể thiết lập nhiều loại bản đồ, atlas di sản phi vật thể cho tương lai.
Bảo vệ khẩn cấp
Có thể thấy, sau khi nhận diện 98 di sản cần ưu tiên bảo vệ và gần 10 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp thì việc ra đời tấm bản đồ được xem là một động thái tích cực của ngành văn hóa Hà Nội.
Tuy nhiên, với con số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã được kiểm kê cũng đặt ra một khối lượng đồ sộ công việc cho người làm quản lý văn hóa. Chưa kể hàng loạt các hạng mục công trình di sản vật thể trên địa bàn Thủ đô vẫn đang “xếp hàng” chờ tu bổ, trùng tu cũng không khỏi đặt ra nhiều thách thức.
Tuy nhiên, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết: “Về kế hoạch, nhằm cứu một số di sản có giá trị điển hình thoát khỏi nguy cơ mất hẳn, Hà Nội lựa chọn và ưu tiên đầu tư cho một số di sản chứ không phải tất cả các di sản đều được bảo tồn thông qua dự án hỗ trợ của Nhà nước.
Trên thực tế, các dự án đã triển khai cũng không theo cách đầu tư dàn trải mà chọn từ cộng đồng một nhóm nòng cốt, gồm những người nắm giữ, có khả năng trao truyền di sản, để tập huấn và hướng dẫn họ cách thức truyền dạy, phổ biến di sản tới cộng đồng. Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục, phát triển di sản theo hướng bền vững, chứ không phải chỉ làm cho có phong trào rồi bỏ đấy”.
Cụ thể, trong thời gian vừa quá các di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ khẩn cấp của thủ đô Hà Nội gồm tiếng lóng ở làng Đa Chất, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên); hát trống quân ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín); hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ)...
Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng thừa nhận, những năm qua cộng đồng ngày càng nhận thức rõ hơn về văn hóa phi vật thể. Cộng đồng chủ động phối hợp với chính quyền gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản. Một minh chứng rõ ràng nhất là di sản hát trống quân ở Phú Xuyên.
Từ chỗ không còn mấy người hát, đến nay ở các địa phương này đã thành lập được các câu lạc bộ hát trống quân và thường xuyên biểu diễn. “Song, phải thẳng thắn thừa nhận là việc đầu tư bảo tồn cho di sản văn hóa phi vật thể so với di sản vật thể còn có độ vênh lớn. Có lẽ, thời gian tới nên có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Di sản văn hóa phi vật thể rất quan trọng, giúp người ta tự hào về bản sắc của mình, phân biệt được sự khác biệt dân tộc này với dân tộc khác, địa phương này với địa phương khác, nó làm giàu cho đời sống tinh thần của nhân dân” - ông Huy cho hay.