Việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt (gây ung thư) đối với sản phẩm dệt may (theo Thông tư 32) đã làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp may than khổ với quy định kiểm tra chất formaldehyt.
Đó là ý kiến của một số doanh nghiệp dệt may tại Hội thảo Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức ngày 22/9, tại TP HCM.
Đại diện Công ty MaiSon cho rằng, hiện nay kiểm tra một mẫu nguyên liệu dệt may về formaldehyt có giá 1,6 triệu đồng trên mẫu. Thông thường một tháng công ty phải kiểm dịch 3 - 4 mẫu, nhiều nhất là 7 mẫu. Tính tổng cả hai địa bàn TP HCM và Hà Nội thì một năm công ty phải chi gần 3 tỷ đồng. Thông tin này không điều chỉnh nhanh bên công ty sẽ mất nhiều chi phí và thời gian.
“Tại sao 6 năm qua công ty chúng tôi không vi phạm bất kỳ sản phẩm nào mà vẫn phải kiểm tra thường xuyên”- đại diện doanh nghiệp này băn khoăn.
Còn theo đại diện Công ty An Phước, trung bình một năm DN mất khoảng 500 - 600 triệu đồng cho hoạt động kiểm tra chất formaldehyt. Mỗi tháng công ty phải cho kiểm tra 3 - 5, với mức giá 2,6 - 2,8 triệu đồng/mẫu.
“Việc kiểm tra này gây vướng mắc về chi phí, thời gian, lưu kho, quy trình sản xuất. Theo tôi nên thay đổi hình thức kiểm tra để giải tỏa áp lực về kinh tế cho DN”- vị đại diện nói.
Tương tự, đại diện Công ty May Nhà Bè bức xúc cho rằng từ khi có quy định kiểm tra chất formaldehyt đối với hàng dệt may đến nay, không phát hiện lô nào nhưng phí lại ở mức “trên trời”.
Thực tế cho thấy, cộng đồng DN dệt may không hài lòng về cách và phí kiểm tra hàm lượng formaldehyt. Lý do, hơn 6 năm liền thực hiện tạm thời quy định này song số vi phạm hàm lượng formaldehyt ở mức dưới 1%.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thu Giang- Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), kiểm tra những sản phẩm gia công cho các hãng lớn vẫn phát hiện vi phạm về chất lượng. Buông lỏng hoạt động kiểm tra này là không ổn.