DN dệt may Quảng Nam ‘tố’ tỉnh quá ‘chiều’ DN FDI

Tấn Thành 23/12/2016 21:23

Tại hội nghị do Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức hôm nay, nhiều DN dệt may tại tỉnh này tiếp tục “tố’ những chính sách ưu đãi bất hợp lý, góp phần làm DN trong nước thua thiệt.

Quang cảnh Hội thảo Dệt may Việt Nam - Cơ hội và thách thức hội nhập giai đoạn 2016-2020.

Ngày 23/12, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Dệt may Việt Nam - Cơ hội và thách thức hội nhập giai đoạn 2016-2020. Tham dự có đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) và đông đảo doanh nghiệp (DN) dệt may trong khu vực.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm tổng Tổng Thư ký Vitas: Bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam hiện nay là khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1% bông, sợi sản xuất trên 1,2 triệu tấn/năm và 70% xuất khẩu. Tuy nhiên lại nhập về với với số lượng tương tự nhưng chất lượng cao hơn lên đến gần 80%.

“Do đó lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (trong đó từ Trung Quốc 50%, Hàn Quốc 18%, Đài Loan 15% giá trị)... Phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu...” - ông Cẩm nói.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định, giai đoạn tới, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển như: Sự dịch chuyển sản xuất từ các nước có chi phí nhân công cao sang Việt Nam. Cơ hội tái cơ cấu, khắc phục bất cập do tác động quy định về quy tắc xuất xứ của FTA Việt Nam - EU và TPP...

Ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT công ty Tuấn Đạt, nêu những bất cập tồn tại đối với DN tại Tam Kỳ, Quảng Nam.

Tuy nhiên theo ông Cẩm, song song với những lợi thế có những khó khăn thách thức nhất định, như các nước cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam tập trung hỗ trợ cho dệt may nước mình.

Nhiều cơ chế chính sách vẫn còn rào cản cho DN như: Chính sách về lương tối thiểu, các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn; cơ chế kiểm tra chuyên ngành đối với nhập khẩu bông, lông gấu/cáo, lông vũ liên quan đến Bộ NN&PTNT...

Các doanh nghiệp địa phương cũng đã mạnh dạn nêu lên những bất cập, tồn tại làm khó cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT công ty Tuấn Đạt cho rằng: Tại Tam Kỳ vùng đất phía Đông và phía Tây cách nhau 1 con sông, cùng một ngành may mặc nhưng cơ chế hoàn toàn khác nhau.

“Phía Tây chúng tôi không hề được ưu đãi phải đóng thuế donh thu đến 20%, ngược lại phía Đông không thu thuế doanh thu. Tại sao như vậy?”

Ông Doãn kể tiếp về những “bất hợp lý” trong việc ưu đãi DN: “Còn nữa, bao nhiêu năm tôi kiến nghi xin đất làm nhà cho công nhân thì không được, họ mới đến cấp ngay 5 ha để làm nhà. Chúng tôi phải đi mua mặt bằng, đi thuê từng mét vuông đất mở công xưởng, họ thì anh dọn sạch sẽ mặt bằng, đầu tư hạ tấng, rồi cấp hàng chục, hàng trăm ha”.

Nhiều DN dệt may “kêu ca” về ưu đãi đối với các DN FDI.

Doanh nhân này đặt câu hỏi: Tại sao cùng một ngành, cùng một địa phương nhưng DN nước ngoài lại được ưu đãi nhiều thứ, còn chúng tôi thì bị đối xử như vậy?.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty TNHH May Phú Mỹ Kim Anh cho rằng, những gì ông Doãn nói là hoàn toàn chính đáng.

Theo bà Nhung, nếu cấp phép nhưng lại cho DN nước ngoài quá nhiều ưu đãi thì sẽ bóp chết DN địa phương.

Tiếp lời, ông Doãn gay gắt: “5 năm qua, doanh nghiệp tôi đóng đến 25 tỷ đồng tiền thuế doanh thu nhưng không được ưu đãi, còn họ lại được ưu đãi thuế, một thành phố mà sao cơ chế gì lạ vậy? Đúng ra số tiền này, DN của tôi được trả lại theo cơ chế ưu đãi, tôi cũng đã có văn bản gửi đến lãnh đạo thành phố, lãnh đạo tỉnh nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời”.

Nhiều đại diện DN tham dự Hội thảo cho rằng, để dệt may Việt Nam nắm chắt cơ hội và vượt qua thách thức, hội nhập phát triển vững bền trong giai đoạn 2016-2020, cần giải quyết những tồn tại bất cập.

Về đầu tư, nên chuyển dịch các DN may về các vùng nông thôn nhằm tận dụng nguồn lao động tại chỗ; tập trung nâng cao chất lượng và đẳng cấp sản phẩm; gắn đào tạo với nhu cầu sản xuất; đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

Các DN nên mạnh dạn phối hợp triển khai một số dự án lớn hình thành chuỗi liên kết, tham gia chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế và hàng loạt các giải pháp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    DN dệt may Quảng Nam ‘tố’ tỉnh quá ‘chiều’ DN FDI