Trước thực tế ở nước ta có một số bệnh nhân (BN) xét nghiệm (XN) SARS-CoV-2 nhiều lần cho kết quả âm tính nhưng lần kế tiếp lại dương tính. Vấn đề này là gì? Có sự thiếu chính xác của Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động (Realtime PCR) hay không?
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi vừa có cuộc phỏng vấn TS.BS Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam.
PV:TS cho biết tình hình XN SARS-CoV-2 tại Quảng Nam như thế nào?
TS.BS Trần Văn Kiệm: Tính đến đầu mùa dịch đến sáng nay (24/8) tại Quảng Nam đã triển khai XN bằng Realtime PCR 91.333 mẫu, trong đó có 101 mẫu dương tính, 91.153 mẫu âm tính, 79 mẫu đang chờ kết quả.
Còn tính từ ngày 25/7/2020 đến nay, nghĩa là từ khi Bộ Y tế công bố ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên tại TP Đà Nẵng, Quảng Nam đã triển khai thực hiện 83.859 mẫu, trong đó 96 mẫu dương tính, 83.648 mẫu âm tính, 79 mẫu đang chờ kết quả.
Việc XN bằng Realtime PCR đã góp phần quan trọng trong việc an dân và kịp thời phát hiện các ca dương tính để điều trị. Tại Quảng Nam điều trị 97 bệnh nhân, trong đó BVĐK Trung ương Quảng Nam 61 ca, BVĐK Khu vực Quảng Nam 31 ca; chuyển Bệnh viện Trung ương Huế 5 ca. Hiện nay không có ca nào thở máy, đã khỏi bệnh ra viện 13 trường hợp.
Xin TS cho biết về Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động?
Hệ thống Realtime PCR là phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử, giúp xác định đoạn gen ARN của virus SARS-CoV-2 cho nên có độ chính xác rất cao. Đây là cách phát hiện bệnh sớm khi nồng độ virus còn thấp trong cơ thể.
Chính vì vậy mà có thể phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm.
Phương pháp này đang áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để xác định virus SARS-CoV-2.
Về kỹ thuật, Realtime PCR được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt trong điều kiện tiêu chuẩn với độ an toàn sinh học cấp 2.
Đây là XN sinh học phân tử nên đòi hỏi nguyên tắc, kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Do đó công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu đúng theo chỉ dẫn.
Công tác xử lý, tách chiết và đọc kết quả XN phải đúng trong điều kiện cho phép, nằm trong phòng an toàn sinh học cấp 2 trở lên.
Hiện tại các phòng XN Realtime PCR của Quảng Nam đều đạt tiêu chuẩn này.
Vậy do đâu một số ca XN nhiều lần cho kết quả âm tính thì lần kế tiếp lại dương tính?
Đúng là thực tế có những trường hợp như vậy. Ví dụ tại Quảng Nam, BN 999 có 2 lần XN vào 3/8 và 14/8 đều âm tính SARS-CoV-2 nhưng sau đó lại dương tính.
Về nguyên tắc, virus có thể xâm nhập vào hầu họng và xâm nhập vào đường hô hấp dưới là khí quản, phế quản, phổi của bệnh nhân. Ở đó virus tồn tại nhân lên và phát triển, phát tán ra vùng hầu họng.
Nhưng khi virus xâm nhập vào vùng hô hấp dưới thì phải có thời gian nhân lên, phát triển rồi mới phát tán ra vùng hầu họng, thời gian này phụ thuộc vào từng người, nên có người xét nghiệm lần 1, lần 2 âm tính vì có thể khi đó virus chưa phát tán ra vùng hầu họng. Đến khi virus nhân lên và phát tán ra hầu họng thì chúng ta sẽ lấy được mẫu có virus và sẽ xác định được ngay.
Vậy phải làm như thế nào mới đủ điều kiện loại trừ được nguy cơ bỏ lọt bệnh nhân?
Để loại trừ nguy cơ bỏ lọt bệnh nhân, trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tiên cần tiếp tục điều tra, truy vết lấy mẫu XN tất cả các trường hợp nghi ngờ, xác định lịch trình, cách ly đúng quy định.
Cùng với đó, người cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung phải thực hiện đủ 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với yếu tố phơi nhiễm và XN 2 lần.
Nếu như kết quả XN cả 2 lần, gồm lần 1 khi mới vào khu cách ly tập trung, lần 2 vào ngày cuối cùng (ngày thứ 14) của đợt cách ly mà kết quả đều âm tính thì mới kết thúc được cách ly tập trung.
Tuyệt đối không kết thúc cách ly sớm hơn 14 ngày và chưa có kết quả 2 lần XN âm tính theo đúng thời gian trên. Đó là cách làm đủ điều kiện để loại trừ nguy cơ bỏ sót bệnh nhân!
Xin trân trọng cảm ơn TS!